Trong quý I/2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 14.300 lượt doanh nghiệp với 82.600 chỗ làm việc và 37.235 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Kết quả thống kê cho thấy, 10 ngành nghề đứng đầu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn là các ngành kinh doanh – thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản; hành chính – văn phòng – biên phiên dịch; cơ khí – tự động hóa; dệt may – giày da…
Như thường lệ, ngành kinh doanh – thương mại vẫn đứng đầu danh sách nhu cầu tuyển dụng tại thị trường TPHCM với 22.120 chỗ làm việc, chiếm 26,78% tổng nhu cầu trong quý I/2024. Ngành này là thế mạnh của thành phố, liên tục nhiều năm đứng đầu danh sách nhu cầu nhân lực.
Điểm khác biệt trong quý I/2024 là nhu cầu tuyển dụng ngành quản lý tài sản – bất động sản bất ngờ chiếm vị trí thứ 3 trong danh sách với 7.219 chỗ làm việc, chiếm 8,74% tổng nhu cầu tuyển dụng. Trong năm 2023, ngành này đứng vị trí thứ 7 trong 10 ngành tuyển nhiều lao động tại TPHCM.
Điểm khác biệt thứ 2 là ngành dệt may – giày da lọt vào danh sách 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất quý I/2024 với vị trí thứ 6. Nhu cầu tuyển dụng của ngành này là 3.717 chỗ làm việc, chiếm 4,5% tổng nhu cầu nhân lực.
Trong năm 2023, nhu cầu tuyển dụng ngành dệt may – giày da trên địa bàn thành phố rất thấp, không nằm trong danh sách 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao.
Ngành cơ khí – tự động hóa trong năm 2023 chiếm 3,17% tổng nhu cầu nhân lực, giữ vị trí thứ 9 trong 10 ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Đến quý I/2024, ngành này vượt lên vị trí thứ 5 với nhu cầu 3.899 chỗ làm việc, chiếm 4,72% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Trong năm 2023, ngành marketing giữ vị trí thứ 10 chiếm 2,99% tổng nhu cầu nhân lực. Sang quý I/2024, ngành này rơi khỏi danh sách, chỉ đạt vị trí thứ 16 với nhu cầu 2.090 chỗ làm việc, chiếm 2,53% tổng nhu cầu nhân lực.
Công nghệ sinh học tiếp tục là ngành khó tìm việc nhất tại TPHCM khi không có doanh nghiệp nào tuyển dụng. Trong khi đó, có 56 lao động tìm việc ngành này.
Ngành nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản cũng rơi vào cảnh tương tự. Doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển 8 chỗ làm việc nhưng có đến 48 hồ sơ tìm việc.
Ngành báo chí – biên tập viên cũng có ít nhu cầu tuyển dụng với 33 chỗ làm việc. Tuy nhiên, ngành này trong quý I/2024 chỉ có 26 người tìm việc, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm