

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Ngày hội có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng người khuyết tật trên địa bàn TP.HCM. Tại ngày hội, doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng lao động theo nhu cầu của mình mà còn chia sẻ với người lao động về tình hình tuyển dụng, sử dụng lao động là người khuyết tật. Qua đó, định hướng nghề nghiệp và liên hệ công tác tạo việc làm cho người khuyết tật.
Ngày hội việc làm thu hút rất đông người lao đông đến tham gia và tìm việc
THÚY LIỄU
Ngày hội việc làm còn có sự tham gia của hơn 400 người lao động, người khuyết tật có nhu cầu tìm việc làm. Đây là cơ hội để họ được tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, được cung cấp về thông tin thị trường lao động, tư vấn về các chế độ chính sách về lĩnh vực lao động việc làm, tiền lương, tiền công và đào tạo nghề; được các nhà tuyển dụng phỏng vấn, tuyển dụng.
Tại ngày hội, rất nhiều phụ huynh có con là người khuyết tật đến các gian hàng của doanh nghiệp tuyển dụng để nghe tư vấn. Đưa con trai đến tìm việc tại ngày hội, chị Thúy Hoa (ở TP.Thủ Đức) chia sẻ: “Con tôi bị khuyết tật trí tuệ, nay hơn 20 tuổi rồi nên tôi cũng muốn tìm cho con công việc phù hợp với thể trạng. Lương thấp cũng được nhưng có công ăn việc làm để sau này con tự lo cho bản thân. Các doanh nghiệp tại đây tư vấn rất rõ ràng, cũng cấp đầy đủ các yêu cầu cần tuyển dụng”.
Chị Thúy Hoa và con trai đang nghe tư vấn tại một gian hàng của doanh nghiệp
THÚY LIỄU
Còn anh Trần Ngọc Quang Minh (39 tuổi, sống ở Long An) đến ngày hội để tìm công việc nhân viên lễ tân, trực tổng đài.
“Tôi bị tai nạn gãy xương chân, di chuyển rất khó khăn thêm nữa nhà chỉ còn mẹ già hơn 70 tuổi nên muốn tìm công việc không phải đi lại nhiều, gần nhà để dễ sắp xếp. Tôi có tìm hiểu công việc lễ tân, nhân viên trực tổng đài của Công ty Máy Tính Viện, thấy ổn với mình. Tôi sẽ liên hệ với họ để tìm hiểu thêm về điều kiện làm việc, học thêm kiến thức nếu cần”, anh Minh nói.
Gian hàng tư vấn của Công ty Sharon cũng thu hút rất nhiều người khuyết tật đến tìm hiểu. Chị Ana Đỗ, đại diện công ty cho biết hiện công ty đang tuyển 3 vị trí gồm nhân viên bán hàng, thợ làm bánh và nhân viên kho. Yêu cầu tuyển dụng là người khuyết tật nhẹ, biết tiếng Anh và biết sử dụng máy tính cơ bản
THÚY LIỄU
Anh Hà Hải Thiên Sơn, đại diện Công ty Máy Tính Viện cho biết, đến ngày hội hôm nay, công ty tuyển dụng ở 6 vị trí gồm kỹ thuật viên sửa chữa máy tính, điện thoại; nhân viên trực tổng đài; lễ tân; thu ngân; quay phim; nhân viên giao hàng.
“Công ty sẵn sàng nhận người khuyết tật vào làm việc, hiện công ty có nhiều người khuyết tật gắn bó với công ty trên 10 năm. Khi nhận vào làm việc, chúng tôi sẽ đào tạo kiến thức theo khả năng để họ có thể gắn bó với công ty. Ngoài ra, công ty cũng hỗ trợ tối đa cho người khuyết tật vận động nếu họ cần chỗ ăn ở tại công ty”, anh Sơn thông tin.
Ngày hội là dịp để người khuyết tật có cơ hội tìm hiểu thị trường lao động, được tư vấn về các chế độ chính sách về lĩnh vực lao động việc làm, tiền lương…
THÚY LIỄU
Ngoài ra, tại ngày hội, người lao động và người khuyết tật còn được tìm hiểu và tư vấn nhiều công việc khác như nhân viên giao hàng, nhân viên phụ bếp, nhân viên kho…
Lao động – Tin Tức Việc làm
by admin
Cận tết Trung thu, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở chế tác đầu lân Bảo Anh của anh Trương Như Rem (trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Nằm trong một hẻm nhỏ của đoạn phố chuyên bán các mặt hàng phục vụ Trung thu, đây là cơ sở có tiếng ở Huế và sản phẩm xuất đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Anh Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế.
Anh Trương Như Rem tất bật với công việc dịp cận tết Trung thu (Ảnh: Vi Thảo).
Khi chúng tôi đến, anh Rem mình mẩy mồ hôi nhễ nhại, cặm cụi với công việc bên cái đầu lân khá lớn. Chủ cơ sở Bảo Anh cho biết dịp tết Trung thu, số lượng đơn đặt hàng lớn nên anh phải làm luôn tay mới kịp giao cho khách.
Theo anh Rem, nếu chỉ một người làm, mỗi cái đầu lân cỡ trung đến lớn sẽ mất 5-7 ngày mới hoàn thành. Tuy nhiên hiện nay nhiều công đoạn dễ được anh chia nhỏ ra, thuê thêm người làm cho đỡ vất vả, tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm cho nhiều người.
Mỗi năm, cơ sở của anh Rem cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 sản phẩm phục vụ Trung thu, gồm đầu lân và các loại phụ kiện như trống, mặt nạ, quạt,… Để có đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng, sau dịp tết Nguyên đán, anh Rem phải bắt tay vào làm việc.
Đầu lân của cơ sở Bảo Anh có hai kiểu cơ bản, gồm đầu đúc khuôn và đầu khung sườn từ tre, lồ ô, trong đó kiểu khung sườn đòi hỏi nhiều kỹ năng chế tác hơn nên giá thành sản phẩm cao, sử dụng được nhiều mùa Trung thu hơn.
Những hẻm phố rực rỡ màu sắc Trung thu ở đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế (Ảnh: Vi Thảo).
Anh Trương Như Rem cho biết cơ sở của anh thường xuyên đón tiếp khách ngoại tỉnh đến mua hàng trực tiếp.
“Tôi có một vị khách nước ngoài, năm nào ông đến Việt Nam, tới Huế, kiểu gì cũng ghé cửa hàng mua sản phẩm mang về trưng bày. Mặt hàng ông ấy chọn là những đầu lân có giá trị cao. Mới đây, ông ấy mua đầu “ngũ tổ” có giá hơn 10 triệu đồng”, anh Rem chia sẻ.
Cũng theo anh Rem, sản phẩm của anh không chỉ bán ở trong nước mà còn được bà con Việt Kiều ở Mỹ, Úc, đặt hàng để chơi Trung thu. Những ngày cao điểm, cơ sở này thu về 150-200 triệu đồng nhờ bán đầu lân truyền thống.
Đầu lân “ngũ tổ” có giá trị hơn 10 triệu đồng tại cơ sở chế tác Bảo Anh (Ảnh: Vi Thảo).
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, nghề làm đầu lân ở Huế đã có từ lâu đời, là nghề “cha truyền con nối” và được nhiều gia đình gìn giữ, duy trì. Công việc làm đầu lân ở Huế diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào dịp tết Trung thu.
Sản phẩm bán ra thị trường đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá dao động từ vài chục nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy loại, đem lại nguồn thu nhất định cho người dân.
Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm đầu lân Huế ngày càng mai một dần. Số lượng gia đình chuyên làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19, hàng hóa tồn kho khiến nhiều người lỗ vốn nặng.
Những năm trở lại đây, nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa, bảo tồn, khôi phục nghề truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ; đồng thời tổ chức các sự kiện liên quan, như: ngày hội lân Huế, lễ hội quảng diễn lân sư rồng, đưa múa lân sư rồng vào phục vụ tại các điểm tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Người mới vào làm vẫn được thưởng lương tháng 13
Đại diện Công ty TNHH May Mặc Bowker (KCN Đồng An, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện công ty có nhu cầu tuyển đến 300 công nhân may, sẵn sàng đào tạo cho lao động chưa có tay nghề.
Công nhân tại một nhà máy ở TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).
Thời gian qua, tình hình kinh doanh tại công ty có nhiều chuyển biến tích cực, đơn hàng có xu hướng tăng và dồi dào trong các tháng gần đây. Vì thế, công ty có nhu cầu tuyển lượng lớn công nhân để đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao.
Theo đó, công ty cam kết thu nhập cho người lao động trên 10 triệu đồng/tháng, thưởng gia nhập lên đến 1 triệu đồng. Công ty đẩy mạnh tuyển dụng người lao động thông qua các kênh mạng xã hội và nhiều kênh thông tin khác, thậm chí tận dụng sự giới thiệu của các công nhân đang làm việc tại nhà máy.
Mặc dù đưa ra lời tuyển dụng hấp dẫn nhưng nhiều tháng qua, công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng mong muốn ban đầu.
Mới đây, để thu hút người lao động, công ty tiếp tục đề ra chính sách đặc biệt cho những nhân sự gia nhập công ty vào tháng 8 này. Theo đó, người lao động mới vào công ty, dù thâm niên chỉ 4-5 tháng, vẫn được nhận thưởng lương tháng 13.
Công nhân tất bật làm việc trong những ngày cuối năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Vy).
Thông thường, việc thưởng lương tháng 13 chỉ áp dụng cho người lao động làm đủ 12 tháng trong năm. Tuy nhiên, năm 2024, doanh nghiệp sẵn sàng “chi mạnh”, tạo cơ hội cho công nhân mới vào làm vẫn có thể được nhận khoản thưởng này.
Ngoài ra, công ty còn áp dụng mức thưởng gia nhập cho công nhân có tay nghề. Dựa trên bậc tay nghề, công nhân bậc A có thể nhận 3.380.000 đồng, bậc B là 2.990.000 triệu đồng và giảm dần đối với bậc C và D. Số tiền thưởng này sẽ được chia theo từng giai đoạn gắn bó với công ty.
Công ty TNHH Gain Lucky Việt Nam (KCN Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) cũng đang có nhu cầu tuyển 600 công nhân may, cắt, đóng gói, kiểm hàng, ủi và nhiều vị trí khác.
Nhiều công ty sẵn sàng chi thưởng cao để thu hút lao động (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Theo đó, người lao động làm ở vị trí gia công sản phẩm sẽ có thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng, tổ trưởng sẽ là 12-16 triệu đồng/tháng. Để thu hút người lao động, công ty còn triển khai nhiều chính sách đãi ngộ như thưởng sản lượng, thưởng thâm niên, cuối năm, có xe đưa rước và bao cơm trưa.
Đối với các lao động đến từ các tỉnh, thành khác, công ty cũng bố trí một nhà lưu trú miễn phí cho công nhân.
Tuyển cả lao động lớn tuổi
Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh doanh dự kiến ghi nhận nhiều bước tiến khởi sắc. Trong đó, công ty sẽ có thêm nhiều đơn hàng dài hạn, đòi hỏi tăng năng suất lao động để kịp đáp ứng lượng đơn hàng tăng cao.
Đầu năm 2024, công ty dự định mở thêm 4 chuyền. Nhưng đến tháng 6, nhà máy chỉ có 3 chuyền đi vào hoạt động vì không tuyển đủ công nhân, vẫn còn thiếu khoảng 100 người.
Công ty phải chấp nhận tuyển công nhân lớn tuổi, thậm chí người đã nghỉ hưu và sẵn sàng đào tạo lại từ đầu cho những công nhân làm trái ngành, không có tay nghề.
Để giữ chân người lao động mới gắn bó với nhà máy, công ty đề ra chính sách trong 2 tháng đầu làm việc, công nhân sẽ được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/tháng.
Công nhân ra về vào giờ tan tầm (Ảnh: Hữu Khoa).
Công ty TNHH Việt Giai Thành (TPHCM) còn tuyển dụng lao động 40, thậm chí 50 tuổi cho các vị trí như ép nhựa, đóng gói với thu nhập bình quân từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. Công ty không yêu cầu nhiều về trình độ, tay nghề mà chỉ cần người lao động có sức khỏe.
Mới đây, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng vừa công bố khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn, tính đến ngày 26/7. Theo đó, có 57 doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay đang tuyển dụng 1.964 vị trí việc làm, với thu nhập dao động từ 6 triệu đồng đến 25 triệu đồng hoặc có thể cao hơn tùy theo tay nghề và thỏa thuận.
Các doanh nghiệp đa số thuộc các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, dược, công nghệ thông tin, điện, thực phẩm,… Phần lớn, ngoài các vị trí cấp cao, công việc chỉ yêu cầu người lao động biết đọc, biết viết, có trình độ phổ thông.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.
Với nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng tương đương khoảng 700.000 người. So với nguồn cung lao động ở trình độ này của giáo dục nghề nghiệp thì còn thiếu khoảng 200.000-300.000 người.
Cùng với đó, doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị hạn chế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
by admin
Gửi kiến nghị đến Bộ LĐ-TB-XH, cử tri các tỉnh Bắc Kạn, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận đề nghị nghiên cứu tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ ngày 2 – 5.9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường ngày khai giảng.
Cử tri một số địa phương kiến nghị bổ sung thêm ngày nghỉ lễ cho người lao động
ẢNH: T.N
Đây cũng là đề xuất đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất: nhiều cử tri là đoàn viên, người lao động phản ánh nguyện vọng có thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh để đưa con tới trường dự lễ khai giảng.
Mặt khác, cử tri đề nghị xem xét trình Quốc hội sửa đổi bộ luật Lao động theo hướng bổ sung một ngày nghỉ (hưởng nguyên lương) là 5.9 hằng năm, như một ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Cử tri đề nghị nghiên cứu, xem xét, bổ sung ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hằng năm là ngày nghỉ lễ và hưởng nguyên lương.
Cử tri cũng đề nghị trình Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2) vào ngày nghỉ lễ. Đây là một ngày rất quan trọng, là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nhằm tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân ý nghĩa lịch sử, vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng.
Đồng tình với đề xuất của cử tri một số địa phương, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng việc tăng thêm 2 ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh cũng tốt vì hiện nay số ngày nghỉ của Việt Nam đang ít hơn các nước trong khu vực và thế giới. Việc thêm ngày nghỉ vào dịp này cũng gần với năm học mới, các bố mẹ có điều kiện đưa con đến trường khai giảng.
Vị chuyên gia này cho biết, nghỉ ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5) cũng hoàn toàn hợp lý vì đây là chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”, thế giới đều biết. Người dân được nghỉ vào ngày này sẽ có cơ hội đi tham quan, du lịch, về nguồn tìm hiểu lịch sử dân tộc.
Ngoài ra, ông Bùi Sỹ Lợi còn đề nghị Bộ LĐ-TB-XH có thể cân nhắc bổ sung ngày nghỉ vào 28.6 là Ngày gia đình Việt Nam để duy trì và phát triển những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại.
“Hiện nay Việt Nam có 11 ngày nghỉ, so với thế giới là thấp. Các nước Đông Nam Á hơn chúng ta bình quân khoảng 5 – 6 ngày nghỉ. Tôi mong muốn chúng ta có khoảng 15 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động. Việc tăng thêm ngày nghỉ là cần thiết, vừa nâng cao đời sống tinh thần, tăng phúc lợi của người lao động, kích cầu du lịch… Khi người lao động có thêm sức khỏe, tinh thần thoải mái thì mới thúc đẩy được năng suất lao động”, ông Lợi bày tỏ.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB-XH cần phải đánh giá tác động, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là của doanh nghiệp, bởi tăng ngày nghỉ lễ doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu thì cho hay, tăng số ngày nghỉ lên 13 ngày là phù hợp. Tuy nhiên, cần tính toán hợp lý, không nên quá tập trung nhiều ngày nghỉ vào đầu năm mà nên chia đều cho cả năm để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB-XH cũng nên cân nhắc đề xuất chọn Ngày gia đình Việt Nam bởi ngày này nằm giữa 2 kỳ nghỉ lớn 30.4 và 2.9.
Phản hồi các kiến nghị của cử tri, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, thời gian nghỉ lễ, tết cho người lao động được nghiên cứu, đề xuất còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác như tôn giáo, phong tục, tập quán, ý nghĩa của ngày nghỉ và tác động kinh tế – xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc bổ sung ngày nghỉ hưởng nguyên lương cũng sẽ tạo áp lực cho người sử dụng lao động, do đó, bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động kinh tế – xã hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung bộ luật Lao động.
Việt Nam hiện có 11 ngày nghỉ lễ chính thức, gồm: tết Dương lịch (1 ngày); tết Nguyên đán (5 ngày); Giỗ tổ Hùng Vương (1 ngày); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Quốc tế lao động (2 ngày); Quốc khánh (2 ngày), thấp hơn bình quân chung của khu vực Đông Nam Á và thế giới khoảng 3 – 6 ngày.
Lao động – Tin Tức Việc làm
☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ
☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng
☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi
☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc
☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng
☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại
☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng
☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn
Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi