Đam mê nghề nông, hơn chục năm trước, anh Nguyễn Việt Bắc (36 tuổi, quê huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) chọn học đại học ngành thủy sản.
“Con cua là loài nuôi tôi chọn để khởi nghiệp sau khi ra trường”, anh Bắc, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, chia sẻ.
“Tiến sĩ cua”
Bắt tay làm được một thời gian ngắn, đầm cua nuôi bị chết nhiều, anh Bắc nghĩ, cần phải học tập, nghiên cứu thêm những kiến thức chuyên sâu nên quyết định học cao hơn.
“Tôi học thạc sĩ rồi tiến sĩ với đề tài nuôi vỗ béo cua biển bằng hệ thống tuần hoàn nước như xử lý nước đầu vào bằng đèn UV (khử trùng nước), xử lý nước nuôi bằng vi sinh, xử lý nước thải ra ngoài bằng thực vật”, anh Bắc nhiệt thành trao đổi về đề tài đã chọn.
Có bằng tiến sĩ, anh Bắc tiếp tục gắn bó với cua. Mấy năm qua, anh “ăn, ngủ cùng cua” và biệt danh “tiến sĩ cua” cũng được bạn bè, người thân đặt cho anh từ đó.
Sau khi có những kiến thức chuyên sâu cơ bản, tiến sĩ Bắc và nhóm bạn quyết định làm dự án “Nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm”.
“Tiến sĩ cua” chia sẻ, những năm gần đây, có một số mô hình nuôi nhằm gia tăng giá trị cua biển sau thu hoạch. Tuy nhiên, không ít mô hình gặp trở ngại như cua có hiện tượng chết nhiều, cua dễ mất phụ bộ, phát triển gạch kém, tốn thời gian và chi phí chăm sóc…
Nhóm của tiến sĩ Bắc đã nghiên cứu để thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch và cua thịt với hình thức nuôi tập trung ứng dụng công nghệ phần nào khắc phục được những trở ngại này.
“Chúng tôi áp dụng mô hình nuôi vỗ béo cua biển với 3 giai đoạn từ làm sạch, vỗ béo tích cực và vỗ nâng cao chất lượng thịt cua. Trong quá trình nuôi, cua được cho ăn nhuyễn thể, giáp xác, cá tạp và thực vật (nấm bào ngư xám hoặc mầm lúa) đã tạo ra được sản phẩm cua có giá trị dinh dưỡng ổn định”, tiến sĩ Bắc bật mí quy trình nuôi.
Một trong những thuận lợi của dự án, theo tiến sĩ Bắc, nhóm liên kết được với các hộ dân nên chủ động được nguồn cua nguyên liệu.
Đa dạng sản phẩm từ cua
Dự án “Cua biển Việt” của nhóm tiến sĩ Bắc đã cho ra hàng loạt sản phẩm như cua cốm (cua 2 da), cua lột, cua gạch soi đèn, cua thịt, chả cua biển, giò chả cua biển, thịt cua lột sẵn, thịt cua chà bông,…
Nói về cua gạch, theo tiến sĩ Bắc, những sản phẩm dòng này đang bán trên thị trường chủ yếu được đánh giá bằng cảm quan (vạch yếm và kiểm tra gạch từ mặt sau), chất lượng gạch sẽ không đồng đều giữa các cá thể (con đầy gạch, con thiếu gạch).
Còn cua gạch nuôi theo quy trình kiểm soát được soi đèn đánh giá trước khi thu hoạch, đảm bảo khai thác đúng thời điểm 100% gạch cua chiếm hết diện tích mai cua.
Trong quá trình nuôi, với những con cua không đạt chuẩn như cua bị mất sức, gãy càng hay chân bò… nếu bán ra thị trường sẽ có giá trị rất thấp. Loại cua này sẽ được tận dụng, gỡ lấy thịt làm chả, chà bông cua,…
“Xu hướng của người tiêu dùng là muốn sử dụng những sản phẩm cua biển tốt nhất, như cua phải đầy gạch, đầy thịt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý,…”, tiến sĩ Bắc chia sẻ và khẳng định mục tiêu hướng đến nhu cầu này để nâng tầm giá trị, thương hiệu cho con cua Cà Mau.
Với dự án được triển khai, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, nhóm của vị tiến sĩ đã bán ra thị trường gần một tấn cua, trị giá hơn nửa tỷ đồng. Nhóm cũng kỳ vọng trong những năm tới xây dựng được nông trại với quy mô nuôi hàng chục ngàn con cua các loại, sản lượng đạt hàng chục tấn và thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Trong năm 2026, tôi tính đến việc hướng dẫn công nghệ nuôi cua cho những hộ dân có nhu cầu. Sau đó, tiến hành bao tiêu sản phẩm và cung ứng cho thị trường”, “tiến sĩ cua” Nguyễn Việt Bắc ấp ủ.
Dự án “Nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm” của nhóm tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc đã giành giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023, tổ chức ngày 25-26/10 vừa qua.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm