Tại sao lại bùng nổ mâu thuẫn?
Mạng xã hội mới đây dậy sóng từ câu chuyện được cho là của một tài khoản mạng xã hội facebook làm nghề trang điểm (make up) đăng đàn tố khách hàng lựa chọn dịch vụ trang điểm dự tiệc, sử dụng trong chính ngày cưới.
Người làm nghề trang điểm này khẳng định đây là điều cấm kỵ trong ngành, thậm chí, còn cho rằng khách “khôn lỏi” để giảm bớt chi phí. Người này đã so sánh sự việc trên không khác gì trả lương cho giám đốc như công nhân chỉ vì họ cùng làm 8 tiếng/ngày.
Không chỉ vậy, người thợ còn đăng tải kèm hình ảnh cô dâu che mặt. Chính những chia sẻ của cô gái này đã bùng nổ tranh luận trái chiều trên mạng xã hội.
Hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Hoàng Minh Đức, giảng viên make up tại một trường cao đẳng ở Hà Nội cho biết, trang điểm là một công việc đặc thù. Đối tượng khách hàng đa dạng, gói dịch vụ phong phú, nên bản thân anh cũng gặp vô vàn những trường hợp “dở khóc, dở cười”.
Nếu như những ngành nghề khác có sự định lượng rõ ràng theo sản phẩm, thì công việc trang điểm có nhiều yếu tố định tính. Anh Minh Đức cho biết, trình độ, tay nghề, công sức của người thợ thể hiện qua việc trang điểm được khách hàng nhận định mang tính cá nhân, quan điểm riêng của mỗi người.
“Chính vì vậy, trong việc tính toán các chi phí trang điểm có thể sẽ không rõ ràng. Ví dụ, khách hàng mong muốn make up nhẹ nhàng, qua qua, nhưng nhẹ nhàng, qua qua là như thế nào thì thật khó định nghĩa”, anh Minh Đức chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình trang điểm, khách hàng có thể yêu cầu thêm một số bước cầu kỳ hơn trên khuôn mặt. Với quan điểm của họ, như vậy là rất đơn giản, nhưng dưới góc nhìn của người thợ lại thấy rằng những phát sinh trên không giống như mong muốn ban đầu của khách hàng đã thỏa thuận.
Hiện, các gói dịch vụ trang điểm rất đa dạng như trang điểm đi dự tiệc, sự kiện, đi chơi, chụp ảnh kỷ yếu, trang điểm cô dâu… Tùy vào mức độ phức tạp và tính chất của sự kiện, giá thành của những gói trang điểm này sẽ khác nhau.
Theo thợ trang điểm này, chính việc thỏa thuận từ ban đầu chưa rõ ràng, khách hàng và thợ đã phát sinh mâu thuẫn sau khi hoàn thiện trang điểm trên khuôn mặt.
Chính vì lý do trên, anh Minh Đức cho rằng lùm xùm liên quan đến thợ make up và cô dâu vừa qua là một câu chuyện điển hình. Đứng trên góc độ của người làm nghề, anh này cũng hiểu được phần nào tâm lý của người thợ trên khi gặp trường hợp khách chọn dịch vụ trang điểm dự tiệc vào ngày cưới.
Trong quá trình làm nghề, anh Minh Đức đã gặp nhiều trường hợp khách hàng tiết kiệm chi phí bằng cách thỏa thuận chỉ cần làm đơn giản. Thực tế trong quá trình trang điểm, họ lại mong muốn làm cầu kỳ, xinh đẹp hơn.
Tâm lý người thợ sẽ cố gắng làm thêm để khách hàng đẹp nhất có thể. Nhưng họ lại thấy không thỏa đáng giữa công sức bỏ ra và số tiền sẽ nhận về.
Anh Minh Đức cho rằng người thợ trong câu chuyện trên cũng có thể gặp trường hợp như vậy. Nhưng đứng trên góc độ chuyên nghiệp, anh nhận thấy người thợ nên trách bản thân không tư vấn được rõ ràng cho khách ngay từ đầu, thay vì trách cứ họ như những gì đã làm.
Đặc biệt, nếu tình huống trên xảy ra, anh Đức cho rằng, không nên công khai danh tính khách hàng. “Điều này chỉ thỏa mãn cảm xúc bực tức của người thợ, nhưng không phải cách giải quyết hay cho cả hai bên”, anh Minh Đức nhấn mạnh.
Tìm phương án tốt nhất
Sau nhiều năm làm dịch vụ, tiếp xúc với vô vàn khách hàng, anh này cho rằng các vấn đề phát sinh đều từ cả hai phía, người thợ và người sử dụng dịch vụ.
Theo anh Minh Đức, nếu thực sự phục vụ cho số đông, người thợ trang điểm cần định lượng được các gói trang điểm của trung tâm khác nhau thế nào. Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, người thợ nên giới thiệu, phân tích chi tiết được và không được làm gì ở các gói dịch vụ.
“Từ đó, khách hàng sẽ tự cân đối nhu cầu của bản thân để chọn gói make up phù hợp. Tôi cho rằng đây sẽ là phương án tốt nhất để giảm thiểu tối đa những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình làm việc”, anh Minh Đức nói.
Vì vậy, các đơn vị không nên báo giá theo tên sự kiện và cảm tính cá nhân như trang điểm cô dâu quan trọng nên phải trả chi phí cao, còn việc trang điểm để đi chơi ít quan trọng nên lấy giá thấp. “Điều này sẽ gây xung đột trong quan điểm nhận định thế nào là cầu kỳ, thế nào là đơn giản?”, anh Đức đặt câu hỏi.
Đối với trung tâm của anh, trang điểm cho một cô dâu sẽ kéo dài 90-120 phút. Trong đó, thợ make up và làm tóc sẽ cùng làm song song với nhau. Nếu như trang điểm đi tiệc tại đơn vị anh Minh Đức đang làm việc là 600.000 đồng thì trang điểm một mặt cô dâu sẽ có giá gấp 3 lần.
Theo anh này, trung bình một người thợ cần trải qua khóa đào tạo nghề 4 tháng và 6 tháng rong ruổi học nghề, tích lũy kinh nghiệm mới có thể làm việc thuần thục. Trong quá trình này, họ có thể phải bỏ ra chi phí lên đến 100 triệu đồng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm