Thời điểm này, gần 100ha cà rốt của nông dân xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) bước vào thu hoạch.
Theo ông Hoàng Ngọc Anh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Liên – cà rốt chính vụ được xuống giống vào cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng và thu hoạch vào khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm. “Năm nay, ngoài vụ chính, nông dân Quỳnh Liên trồng cà rốt trái vụ. Cà rốt được trồng từ tháng 8, đây cũng là thời điểm Nghệ An thường hứng chịu nhiều cơn bão trong năm, nên vụ này còn được gọi là vụ “vượt” bão”, ông Ngọc Anh cho biết (Ảnh: Thanh Thủy).
Vụ này, nông dân Quỳnh Liên dùng giống cà rốt Super VL 108. Đây là loại cà rốt có năng suất cao, củ to, ít xơ, màu đẹp và ngọt.
“Nếu trồng chính vụ, thời gian 4 tháng, mỗi ha cà rốt cho thu hoạch 3-3,2 tấn, cá biệt có hộ đạt năng suất 3,5 tấn/ha. Còn với vụ trái này, năng suất chỉ đạt 1,2-1,6 tấn/ha”, ông Hoàng Ngọc Anh thông tin thêm (Ảnh: Thanh Thủy).
Người dân đầu tư dàn phun tưới tự động trên ruộng cà rốt, giúp giảm sức lao động.
Với quy trình sản xuất sạch và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất cà rốt, công sức của người nông dân được giảm hơn rất nhiều so với trồng các loại cây khác (Ảnh: Ngọc Anh).
Sau 3,5 tháng kể từ khi xuống giống, nông dân xã Quỳnh Liên bắt đầu thu hoạch cà rốt.
Mặc dù năng suất không bằng chính vụ nhưng với mỗi ha cà rốt, người nông dân thu khoảng 270 triệu đồng. So với các loại rau khác, cà rốt cho hiệu quả kinh tế và ổn định hơn (Ảnh: Thanh Thủy).
Cây cà rốt được nông dân Quỳnh Liên trồng từ năm 2007. Thời điểm này, cùng với quả su su, cà rốt Quỳnh Liên đã được công nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao (Ảnh: Ngọc Anh).
Cà rốt Quỳnh Liên được chuyên canh theo hướng VietGAP (quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe.
Chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động thấp hơn, quy trình kỹ thuật chăm sóc cà rốt cũng đơn giản hơn, do vậy, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cũng cao hơn các giống rau màu khác. Sau khi trừ chi phí, vụ này, nông dân Quỳnh Liên thu lãi ròng 8 triệu đồng/sào cà rốt (Ảnh: Anh Ngọc).
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Liên Hải, xã Quỳnh Liên) có 30 sào đất trồng cà rốt. Đây cũng là một trong những hộ có diện tích trồng cà rốt lớn nhất xã Quỳnh Liên.
Để tránh bị tác động của khí hậu thời tiết thất thường và không rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, bà Liên trồng cà rốt gối vụ, mỗi vụ xuống giống cách nhau 45 ngày (Ảnh: Thanh Thủy).
Xác định “được ăn cả, ngã về không” nhưng người trồng cà rốt Quỳnh Liên thắng lớn ở vụ “vượt” bão này.
Dù năng suất không cao bằng vụ chính nhưng bù lại, cà rốt bán được giá. Năm ngoái cà rốt trái vụ giá 10.000 đồng/kg, năm nay giá có thấp hơn, 8.500 đồng/kg, so với giá chính vụ 6.000-7.000 đồng/kg thì tính ra vẫn có lãi hơn các giống cây khác trên cùng một đơn vị diện tích (Ảnh: Thanh Thủy).
Cà rốt là loại nông sản người dân có thể thu hoạch từ củ đến lá. “Củ loại một to, đẹp, đều được nhập đi các tỉnh. Củ loại 2 nhỏ hơn bán các huyện trong tỉnh. Còn củ nhỏ, xấu và lá được người dân tận dụng bán làm thức ăn cho hươu”, Chủ tịch Hội nông dân xã Quỳnh Liên thông tin (Ảnh: Thanh Thủy).
Với chất lượng, mẫu mã vượt trội, cà rốt Quỳnh Liên được thương lái đến thu mua tận ruộng. Phần lớn cà rốt ở đây được xuất đi thị trường Hà Nội hoặc Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Thủy).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm