Sau chuyến khởi hành đánh bắt hải sản đầu năm mới, nhiều ngư dân Nghệ An trúng đậm cá cơm (còn gọi là cá trỏng), trở về sớm hơn dự kiến (Ảnh: Thanh Yên).
Ngày mùng 4 Tết Nguyên đán, ông Phan Văn Tuy (trú xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cùng 9 bạn tàu khởi hành chuyến đánh bắt đầu tiên trong năm mới. Sau 2 đêm đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, trúng đậm luồng cá cơm, tàu quay về bờ.
Những thùng cá cơm tươi rói được vận chuyển xuống cảng Quỳnh Lập, nơi thương lái đã chờ sẵn. Cá cơm được thương lái thu mua tại bến, giá 13.000 đồng/kg. Với sản lượng 33 tấn, ông Tuy thu hơn 400 triệu đồng cho chuyến mở biển (Ảnh: Thanh Yên).
“Chuyến khởi hành đầu năm như thế là thắng lớn. Sau khi trừ chi phí dầu máy và tiền công cho anh em bạn thuyền, tôi lãi gần 300 triệu đồng. Cá cơm đầu năm được mùa, được giá, ngư dân phấn khởi, hi vọng vào một năm đánh bắt thuận lợi, sản lượng cao”, ông Tuy phấn khởi chia sẻ.
Theo ông Tuy, 9 lao động được trả công theo “nửa trăng” (nửa tháng – PV), 5-6 triệu đồng/người. Tuy nhiên, do chuyến mở biển thắng lợi, ông Tuy hào phóng chia lộc cho mỗi thuyền viên nhưng số tiền không được tiết lộ (Ảnh: Thanh Yên).
Cá cơm được thương lái thu mua tại cảng với giá 13.000 đồng/kg vào những ngày mùng 5, mùng 6 Tết, cao hơn trước Tết Nguyên đán. Từ ngày mùng 7 tháng Giêng trở đi, giá thu mua giảm nhẹ, còn 11.500-12.000 đồng/kg.
Loại cá bé bằng ngón tay, giàu đạm mang lại niềm vui cho ngư dân đầu năm mới khi giá nhỉnh hơn trước Tết.
Việc đánh bắt theo con trăng, lại đang có gió mùa, sau chuyến mở biển thắng lợi, nhiều ngư dân quyết định tạm nghỉ ở nhà ăn Rằm tháng Giêng và sẽ tiếp tục ra khơi vào khoảng ngày 20 tháng Giêng (Ảnh: Thanh Yên).
Ông Hoàng Ngọc Thủy – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai – cho biết, toàn thị xã có hơn 1.030 tàu cá. Hơn 470 tàu cá chiều dài trên 15m, chuyên đánh bắt ở các ngư trường lớn như Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa… với các nghề lưới vây, lưới chụp, lưới rê, lưới kéo.
“Hoạt động đánh bắt hải sản tạo việc làm với thu nhập ổn định cho hơn 600 lao động. Ngoài ra, nghề chế biến hải sản cũng thu hút hàng nghìn lao động địa phương tham gia”, ông Thủy thông tin (Ảnh: Thanh Yên).
Cá cơm được sơ chế trước khi hấp, phơi khô. Hiện thị xã Hoàng Mai có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cá cơm. Cá cơm được mùa khiến các cơ sở chế biến phải hoạt động hết công sức với hàng trăm lao động tham gia (Ảnh: Thanh Yên).
Cá cơm được mùa cũng kéo theo niềm vui cho các lao động thời vụ ở gần 20 cơ sở chế biến hải sản quy mô lớn tại thị xã Hoàng Mai. Trung bình mỗi ngày, một lao động được trả 250.000-300.000 đồng tùy tính chất công việc và sản lượng lao động.
Cá cơm do ngư dân thị xã Hoàng Mai đánh bắt được dùng để chế biến nước mắm hoặc phơi khô để cung cấp cho các thị trường trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào… (Ảnh: Thanh Yên).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm