Công an tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo nguyên nhân ban đầu của vụ nổ khiến 6 người thiệt mạng tại Công ty TNHH Bình Minh (thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) là lỗi kỹ thuật của nồi hơi.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, ghi nhận ban đầu từ các bên liên quan cho biết, nồi hơi này có dấu hiệu mất nước trong ngày làm việc 30/4.
Sau khi kiểm tra và sửa chữa, ca làm việc ngày 30/4 đã bàn giao cho ca làm việc ngày 1/5. Sáng 1/5, Phó giám đốc công ty (người Trung Quốc) đang cho vận hành kiểm tra thử thì nồi hơi phát nổ.
Những nguyên nhân dẫn đến nồi hơi phát nổ
Liên quan đến đảm bảo an toàn lao động với nồi hơi trong sản xuất, GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, việc vận hành nồi hơi được quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về Ban hành danh mục các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Theo đó, thiết bị này phải kiểm định 1 lần/năm, người lao động vận hành nồi hơi thuộc nhóm 3, phải huấn luyện rất kỹ càng về an toàn vệ sinh lao động 5 ngày/năm.
Như vậy, những nồi hơi này được vận hành hay sửa chữa phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định rất khắt khe.
Theo ông Lê Vân Trình, trong các vụ việc, nguyên nhân nổ nồi hơi do quá áp lực. Thông thường, nồi hơi sẽ có đồng hồ hiển thị về áp suất và có van an toàn.
Với hoạt động chế biến gỗ, nồi hơi thuộc dạng bình thường, 1-10 tấn hơi/giờ, áp lực 8kg/cm2. Nếu vượt quá chỉ số này, nồi sẽ phải xả bớt hơi bằng van an toàn hoặc ngừng cấp lửa cho nồi hơi.
Như vậy, nồi hơi phát nổ khi đồng hồ đo áp lực bị hỏng hoặc van an toàn bị hỏng hay có vết nứt nhỏ ở nồi hơi.
Trong vụ việc ở Đồng Nai, nồi hơi đang trong quá trình chạy thử, sửa chữa, ông Trình cho rằng, trường hợp này, họ đang đốt để kiểm tra nồi hơi thì xảy ra vụ việc thương tâm. Nguyên nhân có thể rơi vào những lý do đã phân tích ở trên.
Song, nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn lao động phải chờ cơ quan chức năng điều tra, kết luận.
Rủi ro của công việc phụ trợ
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, vụ việc tai nạn lao động ở Đồng Nai mới đây cho thấy việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, trong đó có các thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn vệ sinh lao động chưa được chấp hành.
Theo quy định, việc bảo trì, bảo dưỡng này đều phải có quy trình làm việc, các phương án cứu hộ, cứu nạn, các đánh giá nguy cơ.
Bên cạnh đó, người lao động phải được tập huấn, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động thuần thục.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, quy định pháp luật nêu rõ, tất cả các nơi làm việc đều phải có nội quy lao động, nội quy an toàn và quy trình cho từng máy, thiết bị, công việc.
Tùy theo từng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt hay thông thường mà nội quy, quy trình phải xây dựng phù hợp. Đặc biệt, người lao động phải trải qua đào tạo, hướng dẫn thuần thục, tuân thủ nội quy, quy trình đó.
“Việc ban hành nội quy, quy trình đã được thực hiện ở nhiều nơi làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn có doanh nghiệp không ban hành đầy đủ các quy trình, nội quy, trong đó có cả đối với các máy, thiết bị mới”, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nhấn mạnh.
Những công việc mang tính phụ trợ như sửa chữa, bảo dưỡng cũng cần phải có phương án, quy trình, quy định để kiểm soát các nguy cơ có thể gặp phải.
Theo ông Thơ, thực tế, chính những công việc phụ trợ lại là yếu tố gây tai nạn nhiều nhất vì thiếu những quy trình, thiếu sự giám sát, thiếu những công nhân thường xuyên làm công việc đó.
Đặc biệt, công nhân thiếu sự huấn luyện thành thục trước khi vào làm việc nên rất dễ chủ quan, dễ xảy ra tai nạn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm