Khởi nghiệp ở quê
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Trương Công Yên (37 tuổi, ở thôn Đại An, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) luôn có một niềm đam mê với nông nghiệp.
Sau khi thử qua nhiều công việc nhưng thu nhập bấp bênh, anh Yên quyết định tìm hướng đi mới, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2019, qua mạng internet và học tập ở nhiều trang trại nuôi ốc bươu đen, anh Yên quyết định khởi nghiệp với mô hình này trên 400m2 đất tại quê nhà.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ốc chết khá nhiều, song điều đó đã mang lại cho anh nhiều bài học quý giá để tiếp tục đầu tư nhân rộng mô hình. Anh tích cực tham gia các hội nhóm để học hỏi, lắng nghe, trao đổi cách nuôi ốc bươu đen đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo anh Yên, so với các loài vật khác, ốc bươu đen dễ nuôi, dễ chăm sóc, sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Người nuôi phải nắm được đặc tính ốc chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm. Phải thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh, duy trì độ pH phù hợp.
Nguồn nước nuôi ốc được anh dẫn lấy từ kênh thủy lợi hồ Phú Ninh, khử khuẩn bằng dung dịch hữu cơ. Việc này sẽ làm hạn chế được các loài sinh vật trong môi trường nước mà ốc sinh sống.
“Trước khi nuôi ốc phải nuôi nước, bèo cho thật tốt. Nguồn nước sạch là môi trường sống rất quan trọng của ốc, còn bèo có tác dụng lọc nước, làm thức ăn. Ngoài ra, nông dân cần chọn địa chỉ cung cấp giống uy tín, chất lượng để đảm bảo khởi nghiệp hiệu quả”, anh Yên chia sẻ.
Anh Yên cho biết, ốc bươu đen là loài ăn tạp, thức ăn dễ tìm kiếm trong môi trường tự nhiên. Ốc sẽ ăn bèo cám, bèo tấm khi còn nhỏ và khi ốc lớn hơn sẽ ăn thêm các loại rau xanh, bầu, bí, mướp…
Xung quanh ao nuôi anh trồng thêm nhiều loại rau, quả để chủ động nguồn thức ăn cho ốc. Đồng thời giúp cho ốc có nguồn thức ăn sạch, tránh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt không nên thay đổi thức ăn đột ngột, bởi như vậy dễ làm ảnh hưởng đến đường ruột của ốc, khiến ốc dễ mắc bệnh, phát triển rất chậm hoặc bị chết.
Thu lãi 200 triệu đồng/năm
Theo anh Yên, nuôi ốc sợ nhất mưa bất thường, vì axit trong mưa sẽ khiến ốc dễ mắc các bệnh về đường ruột, sưng vòi.
“Nếu thiếu khoáng thì gây bệnh mòn đít, mòn vỏ khiến ốc chết dần. Vì vậy, phải theo dõi ốc thường xuyên để kịp thời xử lý nguồn nước, hạn chế bệnh lây lan”, anh Yên chia sẻ.
Hiện, anh Yên đã mở rộng diện tích nuôi ốc lên khoảng 2.000m2, mật độ 150 con/m2, gồm ốc bươu đen và ốc lác Thái. Ốc bươu đen từ giai đoạn trứng đến khi thành ốc thương phẩm khoảng 4 tháng (trọng lượng khoảng 30 con/kg), ốc lác Thái là 6 tháng (trọng lượng khoảng 15 con/kg). Nếu muốn nuôi ốc sinh sản, kéo dài thêm 2-3 tháng.
Không chỉ nuôi ốc bươu đen thương phẩm, anh Yên còn chú trọng việc tuyển chọn con giống để nhân giống. Nhờ vậy, sản lượng ốc giống năm sau luôn cao hơn năm trước, chất lượng cũng tốt hơn.
Anh thường xuyên kiểm tra và tưới nước làm ẩm, giữ cho thùng ấp luôn đạt độ ẩm thích hợp. Trứng ốc bươu đen khi nở thành con mất khoảng 15 ngày, ốc lác Thái mất 25 ngày, dưỡng ốc con thêm khoảng 15-20 ngày có thể xuất bán.
Hiện, giá ốc bươu đen thương phẩm khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, ốc lác Thái 100.000 đồng/kg. Mỗi năm anh Yên xuất bán cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 100.000 con giống ốc các loại; hơn 3 tấn ốc thương phẩm các loại. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng hơn 200 triệu/năm.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Yên luôn hăng hái chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả cao và bao tiêu ốc thương phẩm cho người dân.
“Thời gian tới tôi dự định mở rộng diện tích nuôi ốc để phát triển thêm các sản phẩm như ốc gác bếp, chả ốc… nhằm phát triển kinh tế. Thị trường ốc thương phẩm và ốc giống khá lớn, cung không đủ cầu”, anh Yên cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm