Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có hướng dẫn triển khai tổ chức “Bữa cơm công đoàn” năm 2024 đồng loạt trong các cấp công đoàn.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 – 28.7.2024), từ đó thu hút, tập hợp và phát triển đoàn viên, gắn kết chặt chẽ đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.
Việc tổ chức hoạt động này còn nhằm mục đích là để người lao động, tổ chức công đoàn và lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chia sẻ, tâm tình, tạo nên bầu không khí đoàn kết, thấu hiểu, qua đó tạo dựng niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hướng tới xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn cho đoàn viên, người lao động.
Theo đó, “Bữa cơm công đoàn” do công đoàn cơ sở (công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn) phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức.
Đối tượng áp dụng bao gồm: công đoàn cấp trên cơ sở; công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở những nơi có tổ chức bữa ăn giữa ca hoặc ăn trưa hằng ngày tại nơi làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đối với công đoàn cơ sở ở những nơi chưa tổ chức bữa ăn giữa ca hoặc ăn trưa hằng ngày tại nơi làm việc, nếu được lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng ý phối hợp và thống nhất địa điểm tổ chức “Bữa cơm công đoàn” thì được áp dụng theo hướng dẫn trên.
Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý, bữa cơm công đoàn phải đảm bảo với mức chi phí cao hơn thông qua hỗ trợ của tổ chức công đoàn; thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc biệt quan tâm đến các đơn vị, doanh nghiệp có đông công nhân lao động, điều kiện khó khăn nhằm hướng tới mọi người lao động đều được thụ hưởng “Bữa cơm công đoàn”.
Thời gian tổ chức 1 “Bữa cơm công đoàn” trong tuần cuối tháng 7 năm 2024 (từ ngày 22 – 28.7). Tập trung cao điểm là thứ sáu, ngày 26.7.
Giá trị suất ăn “Bữa cơm công đoàn” = giá trị bữa cơm hằng ngày + giá trị tăng thêm từ nguồn tài chính công đoàn + giá trị tăng thêm từ các nguồn xã hội hóa khác (nếu có).
Trong đó, giá trị bữa cơm hằng ngày là giá trị suất ăn theo chế độ quy định hoặc do cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động cung cấp hằng ngày tại nơi làm việc. Giá trị tăng thêm từ nguồn tài chính công đoàn: tối đa 50.000 đồng/suất.
Giá trị tăng thêm từ các nguồn xã hội hóa khác do công đoàn vận động được gồm: hỗ trợ của chuyên môn, người sử dụng lao động, nhà tài trợ hoặc các nguồn xã hội hóa khác (nếu có).
Lao động – Tin Tức Việc làm