Ngày 24/7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề dự trữ carbon và đa dạng sinh học với sự tham dự của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Kon Tum, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế – WWF…
Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam, có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao trữ lượng carbon từ rừng.
Tại hội thảo, ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam – thừa nhận, những năm qua với áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế…, dẫn đến hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đáp ứng kỳ vọng.
Tại Quảng Nam, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, lâm sản còn tái diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế miền núi.
Trước thực trạng đó, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, trong đó tập trung quy hoạch lâm nghiệp, giải pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng gắn với phát triển miền núi, nâng cao đời sống nhân dân trong và ven rừng…
Năm 2021, Quảng Nam được Chính phủ cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ việc giảm phát thải khí nhà kính, thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong 5 năm, 2021-2025.
Quảng Nam có gần 630.000ha rừng tự nhiên, mỗi năm trữ được khoảng 1 triệu tấn carbon.
Đề án thí điểm bán tín chỉ carbon sẽ giúp tăng 20% diện tích rừng tự nhiên trong 10 năm, nâng độ che phủ lên 61% vào năm 2025, phục hồi, làm giàu rừng đạt khoảng 7 triệu m3 gỗ và giảm phát thải trên 14 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
Theo đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về 130 tỷ đồng; tuy nhiên khi triển khai gặp vướng mắc về pháp lý, lựa chọn đơn vị tư vấn.
“Thực tế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu cho công tác bảo vệ, phát triển rừng, để tiến tới đạt mục tiêu giảm mất rừng, suy thoái rừng và phục hồi chức năng các hệ sinh thái rừng, từng bước giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu”, ông Trần Út nói.
Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt và ban hành kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) giai đoạn 2020-2030.
Chính phủ cũng có chủ trương cho phép Quảng Nam nghiên cứu, lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.
Tỉnh này cũng lập báo cáo đánh giá khả thi về cơ hội đầu tư vào carbon từ REDD+ và thu hút sự quan tâm của 5 nhà đầu tư, người mua tiềm năng. Tuy nhiên, đề án chưa được phê duyệt, còn một số hạn chế về mặt kỹ thuật, vướng mắc về pháp lý.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm đề án hoặc tham gia vào các dự án carbon vùng.
Theo ông Bửu, đây cũng là góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra, với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững cho tương lai.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm