Hãi hùng trò cưỡi ngựa bơm hơi, chuyền đồ ăn
Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng trước bài viết của thực tập sinh về hoạt động team building (xây dựng đội ngũ) tại một công ty. Bạn trẻ này sắp tốt nghiệp, chuẩn bị bước vào thị trường lao động nên rất háo hức tham gia hoạt động tập thể, gắn kết thành viên trong công ty.
Tuy nhiên, cô gái này bị sốc trước những hoạt động team building quá gần gũi, phá đi giới hạn của đồng nghiệp và có phần phản cảm như thách đố 10 ly rượu, hôn nhau trực tiếp…
Liên quan đến hoạt động du lịch team building, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (TPHCM) cũng có những kỷ niệm đáng nhớ gắn với hoạt động này. 3 năm trước, cô gái 23 tuổi miệt mài tìm kiếm công việc về lĩnh vực marketing tại các công ty quảng cáo.
Thời điểm chưa có việc làm, chị mừng rỡ khi thấy thông tin tuyển dụng phù hợp với chuyên ngành học của mình. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về công việc, chị đã tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của công ty mình sẽ ứng tuyển.
Truy cập vào trang mạng xã hội của đơn vị, đập ngay vào mắt chị Ngọc Ánh là hàng loạt video về các hoạt động team building vừa diễn ra.
“Tôi ủng hộ các công ty tổ chức team building. Tuy nhiên, sau khi xem qua các hoạt động của đơn vị đó như trò chơi nam nữ cưỡi ngựa bơm hơi rồi chuyền đồ ăn, chuyền nước, chuyền bột… cho nhau bằng miệng, tôi đã thấy không thể thuộc về nơi này”, chị Ngọc Ánh thẳng thắn nói.
Theo người lao động này, các trò chơi như vậy nhằm mô phỏng động tác hôn nhau, đụng chạm cơ thể, trông rất phản cảm. Chính vì vậy, dù khá thích thú với vị trí đang tuyển dụng, chị đã dứt khoát không ứng tuyển.
Còn Đ.H.Q. làm việc trong lĩnh vực truyền thông ở Hà Nội thẳng thắn không ủng hộ các hoạt động team building. Lý do theo nhân sự này là bởi các hoạt động hiện tổ chức khá rườm rà, biến tướng.
Qua trải nghiệm trực tiếp tại những chuyến đi du lịch của công ty, anh Q. nhận thấy một vài đơn vị tổ chức đưa ra những hoạt động khá nhạy cảm như trò chơi ngậm thìa chuyền bóng hay thách đố hai người khác giới dùng ngực, dùng mông ép vỡ bóng, không được dùng tay, chân…
“Tôi thấy tiêu chí của team building là gắn kết, tạo niềm vui cho các thành viên trong công ty. Tuy nhiên, đôi khi hoạt động này bị biến tướng thành những trò đùa khá nhạy cảm, động chạm vào cơ thể…”, anh Q. chia sẻ.
Cần tham khảo ý kiến của người lao động
Từ thực tế nhiều người e ngại tham gia các hoạt động team building ngoài trời nắng nóng, vận động mạnh, anh Q. cho rằng nên lựa chọn những hoạt động theo tiện ích tại địa điểm du lịch như tổ chức văn nghệ trong tiệc tối… Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các phòng, ban liên quan cuối tháng để gắn kết nhau hơn
“Về mặt bằng chung, tôi thấy tổ chức các hoạt động như vậy sẽ duy trì được lâu dài và có sự chia sẻ, gắn kết thật chất giữa lãnh đạo và nhân viên trong công ty”, người lao động này góp ý.
Còn chị Ngọc Ánh vẫn ủng hộ việc đi team building trong khuôn khổ đi nghỉ dưỡng, ăn uống, vui chơi lành mạnh và theo diện công ty tài trợ.
Tuy nhiên, theo bạn trẻ này, cần hạn chế các hoạt động mạnh, các trò chơi ngoài trời vì không phải ai cũng sung sức và có đủ thể lực để tham gia các hoạt động dưới thời tiết nắng nóng.
Về các hoạt động tập thể nhân chuyến du lịch hằng năm, chị Ánh cho rằng, các công ty nên tham khảo ý kiến của người lao động trước. Từ đó, sẽ tổ chức được các hoạt động phù hợp, mọi người sẵn lòng tham gia.
Có như vậy, những buổi đi chơi này mang ý nghĩa gắn kết thực sự. Đây cũng chính là phúc lợi của công ty để người lao động được thư giãn, lấy động lực làm việc hăng say hơn.
Riêng với công ty mà chị Ngọc Ánh đang làm việc, hoạt động lấy ý kiến của người lao động thường xuyên được diễn ra. Mỗi năm, công ty sẽ tổ chức du lịch nghỉ dưỡng theo nhóm. Khi đó, mọi người sẽ bố trí các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng, tăng cường giao lưu, hiểu và gắn kết các thành viên trong nhóm hơn nữa.
Theo người lao động này, có như vậy, kết thúc mỗi chuyến du lịch người lao động sẵn sàng cho những hành trình làm việc sắp tới. Sẽ không còn tình trạng nhân viên kiệt sức trong những hoạt động team building biến tướng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm