Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (xã Thanh Hòa, Thanh Chương Nghệ An) có 500 gốc cau, trong đó 250 gốc đã cho thu hoạch. Với 1 tạ quả cau lứa thu hoạch đầu tiên trong năm, bà Hương có hơn 5 triệu đồng. Cau sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa.
“Năm nay cau không được mùa nhưng được giá. Đầu vụ giá cau 50.000 đồng/kg rồi tăng dần, bây giờ là 65.000 đồng/kg. Hi vọng mức giá sẽ duy trì đến cuối mùa”, bà Hương nói.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hòa (huyện Thanh Chương) cho biết, giá cau cao từ đầu vụ thu hoạch và tăng dần vào chính vụ khiến người trồng cau rất phấn khởi.
Năm 2023, giá cau “rớt thảm”, ở mức 7.000-12.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/kg, đầu vụ thu hoạch năm nay, giá cau “bật” tăng mạnh, lên tới 50.000 đồng/kg. Mức giá này được duy trì và tăng nhẹ, tới nay đứng ở mức 60.000-65.000 đồng/kg, cao gấp 8-10 lần so với năm ngoái.
Theo ông Hà Huy Thạch, Chủ tịch Hội nông dân xã Cao Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), cau được trồng rải rác ở nhiều hộ dân trên địa bàn, trung bình mỗi nhà 5-7 cây. Một số hộ trồng với quy mô lớn, lên tới cả trăm gốc cau như hộ ông Lê Huy Hùng, hộ ông Trần Văn Hóa…
“Trước đây, cau được trồng nhiều ở Cao Sơn. Tuy nhiên, sau giai đoạn rớt giá, quả rụng đầy vườn, nhiều hộ dân đã chặt bỏ. Hiện, cây cau được trồng làm cảnh là chủ yếu. Bất ngờ năm nay cau được giá, loại cây này mang lại thu nhập đáng kể cho người dân”, ông Thạch cho hay.
Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Cao Sơn, cây cau dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, chi phí phân bón thấp. Cau bắt đầu cho quả khi 5 năm tuổi, thời gian cho quả có thể kéo dài hàng chục năm.
Trong điều kiện chăm sóc tốt, trung bình mỗi gốc cau cho sản lượng từ 18-20kg quả. Đối với “cau lực” (cau trong thời kỳ cho quả nhiều nhất), trung bình mỗi cây có 3 buồng chính, mỗi buồng nặng khoảng 7-8kg, cộng với quả lẻ, năng suất đạt gần 30kg.
Nếu tính theo giá thị trường thời điểm này (60.000-65.000 đồng/kg), trung bình mỗi cây cau cho thu nhập 1,1-1,9 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thương Hoài (xã Khai Sơn, Anh Sơn), thương lái chuyên thu mua cau lí giải, giá cau tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng. Cau quả dài, hạt đặc được ưa chuộng hơn cả.
Cau sau khi thu mua sẽ được nhập cho các cơ sở để sấy khô trước khi xuất sang Trung Quốc. Đây là nguồn nguyên liệu để sản xuất kẹo cau, chuyên phục vụ thị trường các nước xứ lạnh.
Tuy nhiên, theo chị Hoài, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc khiến giá cau khó giữ được sự ổn định. Có năm, giá cau lên tới 70.000 đồng/kg, nhưng chỉ vài ngày sau, giá cau tụt xuống chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg.
Sự thiếu ổn định về giá khiến nhiều hộ dân không mặn mà với cây cau. Diện tích lớn cau tại Anh Sơn (huyện Thanh Chương) đã bị người dân phá bỏ sau biến cố rớt giá, không có người mua.
Trước diến biến bất ngờ năm nay, giá cau cao, các địa phương vẫn khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích chạy theo giá cả.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm