Sáng 12.9, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn”. Tham dự có ông Phạm Anh Thắng, Phó chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM.
Tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động, cho biết thị trường lao động Việt Nam dù đã phục hồi nhưng vẫn gặp hạn chế như mất cân đối cung – cầu và phát triển không đồng đều giữa các khu vực. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường hiện đại, linh hoạt và bền vững. Mặc dù nhà nước đã ban hành Nghị quyết 06 của Chính phủ và tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến nhưng hiệu quả chưa đạt kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, người lao động đang rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Việc làm, hướng tới những thay đổi căn cơ để phát triển thị trường đồng bộ, hiện đại, linh hoạt và hội nhập quốc tế.
Nhu cầu tuyển dụng tăng
Chia sẻ tại tọa đàm này, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho biết theo khảo sát của đơn vị, nhu cầu tuyển dụng tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là các ngành tài xế, kho vận, công nhân, xây dựng và bất động sản.
Dù kinh tế phục hồi nhưng 85% doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, trong đó 30% đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Đây cũng là nghịch lý của thị trường lao động, khi người thất nghiệp còn nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển được nhân sự.
Bà Ngọc cho biết doanh nghiệp đang gặp 3 thách thức lớn, gồm hiệu suất tuyển dụng chưa tối ưu, chỉ 14% ứng viên đáp ứng yêu cầu tuyển dụng và sự cạnh tranh giữa các công ty trong ngành. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động trẻ có thâm niên dưới 6 tháng.
Theo khảo sát của Việc Làm Tốt, trong 6 tháng qua, có 85% người lao động muốn nhảy việc, trong đó, người lao động ở nhóm tuổi 18 – 24 dẫn đầu về nhảy việc với tỷ lệ chiếm hơn 96%. Tiếp theo đó, có 89% trong độ tuổi 25 – 34 đang cân nhắc chuyển việc. Tỷ lệ nhảy việc này ở nhóm tuổi 35 – 44 và 45 – 54 lần lượt là 83% và 81%.
Theo Việc Làm Tốt, 6 tháng là mốc thời gian thử thách với nhân viên có ý định chuyển việc, thâm niên càng ngắn, ý định chuyển việc càng cao. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp đang nỗ lực cải thiện phúc lợi và môi trường làm việc để giữ chân nhân tài, bao gồm việc điều chỉnh lương thưởng, tạo môi trường làm việc tích cực và xây dựng sự gắn kết với văn hóa doanh nghiệp.
Đại diện các doanh nghiệp tại tọa đàm cũng chia sẻ khó khăn trong tuyển dụng hiện nay. Đơn cử, ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự Công ty TNHH may mặc Song Ngọc, chia sẻ rằng lần đầu tiên công ty không tuyển đủ lao động cho nhà máy trong năm 2024, dù thu nhập cho người lao động đảm bảo khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Dù không giới hạn độ tuổi, nhưng theo ông Sơn, hiện nay lao động trẻ ít quan tâm đến ngành may mặc, số lượng lao động nghỉ việc lớn. Công nhân thường nghỉ việc tạm thời để nhận trợ cấp thất nghiệp và bảo hiểm xã hội một lần. Hiện công ty đã áp dụng các chính sách như thưởng giới thiệu nhân sự, mời công nhân cũ trở lại làm việc nhưng vẫn không đủ lao động. Do đó, dù có đơn hàng nhiều, nhưng công ty không thể tăng chuyền do thiếu nhân sự.
Lao động – Tin Tức Việc làm