Một ngày trưa tháng 9, nước lũ trên sông Bưởi vừa rút, bà Bùi Thị Tình, thôn Đa Đụn, xã Thành Trực, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa ra bãi bồi kiểm tra đồng mía và ít sào lúa của gia đình vừa bị ngập lụt.
Bà Tình sinh sống gần bờ sông Bưởi. Vốn ở vùng “rốn lũ”, nhiều năm qua, bà Tình quá quen với cảnh chạy lụt, cứu hoa màu. Nhưng người phụ nữ này vẫn không tin khi nhắc đến trận mưa lụt do hoàn lưu bão số 3 xảy ra trong đợt vừa qua.
“Như mọi năm, nước lũ chỉ kéo dài 1-2 ngày, nhưng năm nay sau bão số 3, nước sông Bưởi dâng cao khiến đồng ruộng, khu dân cư, thậm chí đường tỉnh 523 qua địa phương bị ngập sâu hơn 1 tuần. Chưa có năm mà lũ rút chậm, lưu lâu như vậy, nước cứ rút rồi lại lên, có ngày 2-3 lần”, bà Tình nói.
Bà Tình thở dài, hơn 1 tuần ngồi ở nhà tránh lũ, lúc nào bà cũng nóng ruột, lo lắng về cây trồng. “Mía và lúa là kế sinh nhai của chúng tôi, nếu ngập lụt coi như cả năm không có thu nhập”, bà Tình chia sẻ.
Nhà bà Tình có 2 sào lúa, 8 sào mía nhưng hiện nay toàn bộ ruộng lúa mất trắng. Nước sông dâng cao, ngập úng kéo dài, những bông lúa đang xanh bị mọc mầm, thối rễ. Còn lại hơn nửa ruộng mía chuẩn bị vào vụ thu hoạch cũng ngã đổ, mọc mầm quanh thân.
“Lúa ngập nước lâu ngày đắng ngắt, có cắt về gà, bò cũng không ăn. Đợi ít ngày nữa nắng ráo, tôi phải thuê máy cắt bỏ để làm vụ mới. Còn ít sào mía, như mọi năm cũng kiếm khoảng 50-60 triệu đồng nhưng năm nay chỉ mong vớt vát lại một ít cây chưa bị mọc rễ để bù vào tiền giống”, bà Tình nói.
Gia đình bà Quách Thị Huấn, thôn Đa Đụn, xã Thành Trực cũng bị thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lụt vừa qua, với hơn 10 sào mía ven bãi bồi sông Bưởi.
Bà Huấn cho biết, nếu không xảy ra thiên tai, khoảng tháng 11 tới đây, gia đình bà sẽ thu hoạch ruộng mía, ước tính thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Nhưng trận lũ vừa qua đã cuốn phăng tất cả công sức mà bà lam lũ từ đầu năm đến nay.
“Mất trắng cả rồi, giờ chẳng còn gì nữa. Ruộng nhà tôi ở vùng trũng nhất thôn, hôm nước lũ kéo về, tôi thấy nước ngập đến đầu ngọn. Hôm qua nước rút, tôi ra xem thì thấy có cây mọc rễ, khoảng 1 tuần nữa, số cây còn lại sẽ đâm cành, lúc đó chẳng còn bán được nữa”, bà Huấn than thở.
Không chỉ ở xã Thành Trực, mưa lũ còn khiến một số vùng trồng mía ở thị trấn Kim Tân bị ngập sâu. Chị Vũ Thị Quế, khu phố Lâm Thành, cho hay khoảng 5 sào mía vừa mới trồng 3 ngày của gia đình chị bị ngập sâu trong nước lũ.
Mấy ngày vừa qua, chị Quế tranh thủ nước rút, cải tạo lại đồng ruộng, mua thêm cây giống về ươm để sản xuất vụ mới.
“Chỉ tính riêng tiền công trồng đã thiệt hại gần 10 triệu đồng. Quanh năm chúng tôi sống chủ yếu vào cây mía, giờ mưa lũ cuốn phăng tất cả. Mùa mía năm nay đắng ngắt”, chị Quế quẹt nước mắt.
Theo thống kê của UBND huyện Thạch Thành, trận mưa lũ vừa qua khiến hơn 900ha lúa và hơn 1.000ha mía, 87ha ngô, 13ha cây ăn quả và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn bị thiệt hại. Trong đó, chỉ tính riêng xã Thành Trực đã có gần 200ha mía bị ngập lụt, đổ gãy.
Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Thành Trực, cho biết mưa bão trong đợt vừa qua khiến nhiều nơi trên địa bàn bị ảnh hưởng, thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt về cây trồng, hoa màu và thủy sản.
Đối với các vùng trồng mía bị thiệt hại, ông Long cho biết, địa phương đã có đề xuất đến UBND huyện Thạch Thành có hướng hỗ trợ cây giống để bà con tái sản xuất vào vụ mùa sau.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm