Cuối tháng 8, nhiều người trong cộng đồng producer (nhà sản xuất, chủ yếu về ngành giải trí) không khỏi đau xót khi một đồng nghiệp cống hiến lâu năm trong nghề đột ngột bị ngưng tim và qua đời, sau nhiều ngày làm việc quá sức, chỉ ngủ 2-3 tiếng/ngày.
Trên trang mạng xã hội, một đồng nghiệp của người này chia sẻ rằng vì tính chất công việc, họ thường bắt đầu công việc từ rất sớm và kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau. Để tỉnh ngủ, họ từng phải hút nhiều thuốc, uống liên tục nhiều nước ngọt.
Lối sống này ngày càng khiến cơ thể trở nên kiệt quệ. Tuy nhiên, họ không thể làm gì khác vì tính chất công việc quá áp lực.
Nhận được gì sau những lần “bán mạng” cho công việc?
Nhận được tin nhắn đồng nghiệp qua đời vì làm việc quá sức, Thu Hằng (24 tuổi, ngụ tại TPHCM), nhân viên văn phòng, chợt giật mình, đặt vội chiếc laptop xuống bàn. Ngó đồng hồ, Hằng mới chợt giật mình vì đã là 1h sáng. Cô gái nằm phịch xuống giường, cơ thể vô cùng mệt mỏi.
Nữ nhân viên tự hỏi rằng “đến bao giờ bản thân mới ngưng “bán mạng” cho công việc?”.
Thu Hằng là trợ lý sản xuất cho các dự án của công ty. Công việc lúc nào cũng bận rộn, Hằng thường đi sớm về muộn, thậm chí mang việc về nhà để xử lý đến nửa đêm.
Thời gian dành cho gia đình, bạn bè là thứ “xa xỉ”, bởi thời gian chăm sóc bản thân đối với Hằng hầu như rất hiếm. Đối với Hằng, việc bỏ bữa là chuyện quá đỗi thường xuyên.
Yêu công việc, yêu thích kiếm tiền, Hằng thỉnh thoảng còn nhận thêm việc bên ngoài để kiếm thêm. Trung bình, mỗi ngày cô gái làm việc hơn 13 tiếng. Hằng thường ra khỏi nhà lúc 6h30 và trở về khi trời đã sập tối. Hơn 2 năm qua, công việc bận rộn khiến bạn bè thân thiết không còn nhận ra nét hồn nhiên, tươi trẻ vốn có của cô gái.
Nỗ lực gần như “bán mạng” cho công việc, thứ Hằng nhận lại chính là thu nhập cao hơn các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, kèm theo đó là một túi thuốc Tây… dày hơn chiếc laptop của cô.
“Vừa tốt nghiệp là tôi đi làm ngay. Tôi nghĩ vì mình còn trẻ, nếu không nỗ lực thì sẽ khó được công nhận bởi thị trường ngày càng cạnh tranh. Sau nhiều lần nhịn ăn, chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày, thời gian ngồi trước màn hình laptop có khi hơn 8 tiếng liên tục, tôi được bác sĩ thông báo là mình bị trĩ nội, viêm dạ dày mạn tính và thoát vị đĩa đệm”, Hằng cười chua chát, nói rằng cô còn mắc nhiều bệnh hơn mẹ của mình.
Còn sức khỏe là còn tất cả
Huỳnh Như (26 tuổi, ngụ tại TPHCM) bộc bạch cô từng là một người “bán mạng” cho công việc. Với nỗi sợ “áp lực đồng trang lứa”, Như từng nhận 3 công việc cùng lúc, thời gian ngồi trước màn hình laptop, điện thoại chưa từng dưới 12 tiếng/ngày.
Là nhân viên phụ trách mảng nội dung trên nền tảng mạng xã hội cho công ty, nhưng Huỳnh Như thỉnh thoảng cũng phải tham gia cùng bộ phận tổ chức sự kiện chuẩn bị cho các chương trình lớn, nhỏ.
Lần gần đây nhất, Như đã dậy từ 5h, “chạy” chương trình xuyên suốt đến 18h rồi cùng công ty ăn tiệc đến 22h mới về. Đêm trước đó, Như chỉ ngủ được 3 tiếng vì phải thức xử lý công việc nên cô không còn chút sức lực nào. Khi bữa tiệc công ty kết thúc, Như đã ngất xỉu trên đường về nhà.
“Lúc ấy, tôi rất sợ hãi, ngỡ rằng mình bị đột quỵ”, Như nói.
May mắn, những người xung quanh đã giúp đỡ và nhờ bạn của cô chở đi bệnh viện. Từ khoảnh khắc đó, Như dường như thức tỉnh và tập hình thành thói quen sống, làm việc có ích cho sức khỏe hơn.
Theo bác sĩ Đa khoa Huỳnh Tuấn Kiệt – Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) – nhiều năm gần đây, tỷ lệ người trẻ qua đời vì đột quỵ dần tăng cao so với những năm trước. Một trong các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ chính là làm việc quá sức, thiếu ngủ.
“Làm việc liên tục nhiều giờ liền kèm theo thức khuya, thiếu ngủ sẽ gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học hằng ngày của cơ thể. Điều này khiến các cơ quan trong cơ thể không được nghỉ ngơi đúng và đủ, dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, não bộ, hệ miễn dịch…”, bác sĩ Kiệt nói.
Bác sĩ cho biết ngồi một chỗ làm việc trong nhiều giờ liền mà không thay đổi tư thế hay vận động sẽ khiến máu huyết trong cơ thể không được lưu thông, kèm theo các tác nhân khác, có thể dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Kiệt khuyên người trẻ nói riêng, người lao động nói chung, cần có một lối sống và làm việc theo đúng nhịp sinh học của cơ thể. Điều này không chỉ tránh được các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, mà còn giúp hiệu suất làm việc trở nên hiệu quả hơn.
“Có sức khỏe là có tất cả”, bác sĩ nhấn mạnh.
Theo Christina Janzer, phó chủ tịch cấp cao bộ phận nghiên cứu và phân tích của Slack, nhân viên có nhiều giờ làm việc hơn không đồng nghĩa năng suất tốt hơn. Không những vậy, khảo sát mới nhất của Slack còn cho thấy việc làm thêm giờ có thể giảm năng suất của người lao động.
75% nhân viên tham gia khảo sát cho biết năng suất lao động của họ bị giảm khi phải làm việc trong các khung từ 15h đến 18h. Những người phải làm thêm giờ sẽ cảm thấy căng thẳng gấp đôi và có nguy cơ kiệt sức cao hơn.
WHO và ILO ước tính trong năm 2016, 398.000 người đã tử vong do đột quỵ và 347.000 người tử vong vì bệnh tim do làm việc trên 55 giờ mỗi tuần.
Khi làm việc trên 55 giờ/tuần, người lao động có nguy cơ bị thiếu máu cơ tim và đột quỵ cao hơn khi làm việc 35-40 giờ/tuần. Từ năm 2000 đến năm 2016, tỷ lệ tử vong do bệnh tim bắt nguồn từ làm việc nhiều giờ đã tăng 42% và do đột quỵ tăng 19%.
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm