Từ đêm 9/10, anh Nguyễn Quang Vũ, cư dân tạm trú tại làng Klă, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, đã phải thức trắng đêm để cùng bà con xử lý tình trạng cá chết bất thường.
Theo anh Vũ, khoảng 18h ngày 9/10, khi kiểm tra lồng, anh phát hiện cá lăng có biểu hiện lạ, nổi lên mặt nước để thở. Chỉ sau một giờ, cá bắt đầu chết hàng loạt. Để tránh ô nhiễm nguồn nước và lây lan sang các lồng khác, người dân đã phải dùng thuyền kéo các lồng cá ra giữa hồ.
“Gia đình tôi đã vay mượn để đầu tư mua cá lăng giống nuôi trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Sắp đến ngày thu hoạch, toàn bộ số cá lại chết bất thường. Gia đình tôi nuôi 3 lồng, trong đó 2 lồng cá lăng và 1 lồng cá lóc. 2 lồng cá lăng đã chết trắng, cá lóc thì đang yếu dần. Ước tính khoảng 4 tấn cá chết, thiệt hại hơn 200 triệu đồng”, anh Vũ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thao, quê ở Kiên Giang cho biết, gia đình đã nuôi cá lăng trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr suốt 7 năm nhưng chưa gặp hiện tượng cá chết như thế này.
Hơn 1 năm trước, gia đình thả khoảng 6.000 con cá lăng giống xuống nuôi, dự định bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, cá chưa kịp bán đã chết hết. Số tiền đầu tư mua giống, cám đều do gia đình vay mượn, giờ không biết lấy tiền đâu để trả.
“Tối hôm cá chết, tôi đang chăm chồng nằm viện, nghe con gái báo cá trong lồng chết hàng loạt. Vội vã về nhà, tôi thấy hơn 1 tấn cá lăng nuôi 2 năm đã chết hết, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng, chưa kể công nuôi”, bà Thao nói.
Trước đó, hàng chục hộ dân tại khu vực biên giới xã Ia Mơ đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng về việc bị một số người lạ mặt ngăn chặn, không cho đánh bắt, nuôi trồng cá trên lòng hồ thủy lợi. Sự việc người dân phản ánh đang được cơ quan chức năng xác minh.
Theo người dân, hơn một tháng trở lại đây, nhóm người lạ mặt đã chốt chặn ngay lối vào lòng hồ thủy lợi, không cho các hộ dân đánh bắt cá. Khi bà con mang dụng cụ chài lưới vào lòng hồ bị nhóm người lạ chặn lại, hù dọa.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết: “Trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr có khoảng 22 người dân sinh sống, mưu sinh nhờ việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có 7 hộ chuyên nuôi cá lồng.
Hồ thủy lợi Ia Mơr có đề án lấy nước sinh hoạt cho 5.000 dân, chính quyền xã đã khuyến cáo bà con nên đánh bắt tự nhiên, không sử dụng các hình thức tận diệt, gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với nguyên nhân cá chết, chính quyền đang phối hợp cùng công an điều tra”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Bình Yên, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban quản lý thủy lợi Ia Mơr, nói: “Thời gian qua, một số cá nhân đã tự phát vào khu vực lòng hồ để thả vó đèn, đánh bắt và làm lồng bè nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ.
Trước việc cá bị chết hàng loạt trong đêm, chúng tôi đã khẩn trương phối hợp cùng cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm sớm tìm ra nguyên nhân. Việc này rất quan trọng bởi lòng hồ thủy lợi đang cung cấp nước tưới tiêu cho hàng chục nghìn diện tích hoa màu của tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk”.
Như Dân trí thông tin, ngày 9/10, người dân phát hiện cá nuôi trên nhiều lồng, bè ở lòng hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) chết hàng loạt ở nhiều lồng bè. Người dân đã kéo lồng ra vùng nước sâu giữa lòng hồ để cứu vãn nhưng cá vẫn chết hàng loạt ở nhiều lồng bè.
Theo thống kê ban đầu, có khoảng 4 lồng bè của các hộ dân nuôi cá trên lòng hồ thủy lợi Ia Mơr bị chết. Trong đó, cá lăng bị chết nhiều nhất.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm