Chị Lê Thị Lan (SN 1986, trú tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) chuyên trồng và chăm sóc cây cao su, kết hợp nuôi heo nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, chị Lan đã tận dụng khu vườn trong nhà để nuôi chồn, dúi, nhím đá.
Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của các loài này đã bão hòa và thu nhập không cao nên chị chuyển sang nuôi cheo cheo, một loài vật có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là loại vật nuôi ít người biết nên chị hy vọng sẽ có đầu ra và thu nhập ổn định.

Chị Lan đầu tư 20 chuồng để nuôi cheo cheo (Ảnh: Chí Anh).
Bắt tay vào việc nuôi loài động vật quý hiếm, chị gặp không ít khó khăn. Mọi kiến thức, kỹ thuật nuôi, chị đều phải tự mày mò trên các trang mạng. Không những thế, chị còn khăn gói tìm đến các trại nuôi ở tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Đến tháng 6/2024, chị Lan đã xây dựng trang trại với 20 chuồng, chia thành 3 khu vực để nuôi cheo cheo bố mẹ, con và thương phẩm.
Khi chuồng trại hoàn thành, chị Lan nhập 7 con giống cheo cheo, gồm 3 đực, 4 cái từ Trà Vinh với giá 42 triệu đồng để về nuôi dưỡng. Chị cũng làm các thủ tục pháp lý và được cấp mã số cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB (động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhưng chưa bị cấm khai thác hoàn toàn) từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum.

Đây là loài vật cần ít thời gian chăm sóc mà đưa lại thu nhập cao (Ảnh: Chí Anh).
“Sau nhiều tính toán, tôi đã mạnh dạn nuôi loại thú rừng này để phục vụ nhu cầu từ các nhà hàng và quán ăn. Do chưa có kinh nghiệm, tôi đã gặp khó khăn khi cheo cheo liên tục bị bệnh, chưa quen khí hậu, môi trường”, chị Lan chia sẻ.
Theo chị Lan, để tránh bệnh cho cheo cheo, việc vệ sinh chuồng trại là điều quan trọng. Vào mùa lạnh, chị thường rải rơm lên mái để làm ấm, trời nóng thì phun nước lên mái nhằm giảm nhiệt độ. Thức ăn của cheo cheo chủ yếu là cám, bắp hạt, trái cây, rau muống… Mỗi con tốn khoảng 2.000 đồng/ngày cho phần thức ăn.
“Sau khoảng 8 tháng chăm sóc, đàn cheo cheo từ 7 con đã tăng lên 24 con. Cheo cheo sinh sản khoảng 3 lứa mỗi năm. Mỗi lần, cheo cheo chỉ sinh một con và chu kỳ mang thai dài khoảng 100 ngày”, chị Lan nói.
Mới đây, chị Lan đã bán 7 cặp cheo cheo giống cho các trang trại tại Hà Tĩnh và người dân xã Ia Chim, thành phố Kon Tum với giá 10 triệu đồng/cặp. Chị cũng bán cheo cheo thương phẩm cho một số nhà hàng ở thành phố Kon Tum với giá từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/kg.
Sau khoảng 10 tháng, chị Lan đã thu về gần 100 triệu đồng. Với những thành công bước đầu, chị đang mở rộng quy mô lên 100 cặp bố mẹ để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao.

Sau gần 10 tháng thử nghiệm, chị đã thu về gần 100 triệu đồng (Ảnh: Chí Anh).
Ngoài ra, chị cũng kết hợp với nhiều nông dân để trao đổi kinh nghiệm nhằm phát triển mô hình nuôi cheo cheo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ngô Mây, nói: “Mô hình nuôi cheo cheo của chị Lan là một hướng đi mới, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế cho người dân. Nhận thấy mô hình hiệu quả, ít thời gian chăm sóc nên Hội sẽ tiếp tục khuyến khích hội viên tham gia và tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ nhằm nhân rộng”.
“Cheo cheo” là tên gọi chung của loài hươu chuột (họ Tragulidae). Ở Việt Nam, cheo cheo thuộc Nhóm IIB trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP, tức là nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm nhưng chưa bị cấm khai thác hoàn toàn. Việc săn bắt, mua bán cần có giấy phép.
Cheo cheo hiện là loài động vật hoang dã có giá trị sinh thái và kinh tế cao, được nhiều người quan tâm nuôi với mục đích bảo tồn hoặc kinh doanh. Người nuôi cần tuân thủ các quy định pháp luật và phải có giấy phép hợp lệ từ cơ quan chức năng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm