Kiểm tra lại chất lượng của các cây chổi vừa làm xong, ông Nguyễn Công Bi (52 tuổi, làng chổi Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, mỗi năm gia đình ông xuất bán khoảng 20 tấn chổi đót đi khắp cả nước.
Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định, ông Bi còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 15 lao động, với mức lương từ 3-6 triệu đồng/tháng tùy vị trí công việc.
Theo ông Bi, các năm trước, từ đầu tháng 10 Âm lịch, đơn hàng đã dồn dập nhưng năm nay bán khá chậm; đến đầu tháng Chạp, đơn hàng mới về nhiều.
“Nhà tôi đã 3 đời làm chổi đót, nhờ nghề này mà kinh tế gia đình khấm khá. Nghề này không kén lao động, từ người già đến trẻ nhỏ đều làm được, mỗi người một việc phù hợp độ tuổi”, ông Bi chia sẻ.
Đến làng Chiêm Sơn những ngày này mới cảm nhận được không khí làm việc tất bật, nhộn nhịp. Mỗi người một công đoạn, như quấn dây, bó đót, ai ai cũng chuyên tâm với công việc để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Tại hợp tác xã chổi đót Nguyễn Nhất Tuấn, hơn 20 lao động đang hăng say làm việc để kịp đơn hàng xuất xưởng.
Ông Tuấn cho biết, từ sản phẩm truyền thống đầu tiên là chổi bện mây và sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, cơ sở của ông có 40 lao động (làm tại chỗ và mang về nhà gia công), với mức lương trung bình 3-6 triệu/người/tháng.
Sản phẩm của hợp tác xã có hơn 20 mẫu mã như chổi bện mây truyền thống, chổi quấn dây thép, cán thân đót, cán nhựa.
Cơ sở của ông Tuấn đang tập trung nguyên vật liệu, sản xuất hàng để kịp phục vụ các hội chợ, phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam dịp cuối năm.
Theo UBND xã Duy Trinh, làng nghề chổi đót Chiêm Sơn có hơn 200 hộ thành viên, trong đó khoảng 20 hộ có quy mô sản xuất lớn, sử dụng từ 5 đến 20 lao động.
Nhiều hộ nhờ sản xuất chổi đót đã vươn lên làm giàu, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Nhất Tuấn, Lưu Công Quý, Phạm Thị Dung… Thu nhập bình quân của mỗi hộ 200-300 triệu đồng/năm.
Mỗi năm, làng nghề cung cấp cho thị trường hàng triệu sản phẩm chổi đót, với giá bán trung bình 20.000-28.000 đồng/chiếc, doanh thu ước tính 40-50 tỷ đồng/năm.
Để tạo ra hàng triệu sản phẩm, mỗi năm, làng chổi Chiêm Sơn tiêu thụ hơn 70 tấn đót. Bên cạnh nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, nguyên liệu đót được thu mua từ các huyện Quế Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đa dạng hóa nhiều sản phẩm mới lạ, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam công bố quyết định công nhận “làng nghề vấn chổi đót Chiêm Sơn”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm