Từ khoảng mùng 10 tháng Chạp, thị trường hoa lan Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Nghệ An đã bắt đầu sôi động. Theo ghi nhận, giá hoa lan năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/cành, tùy loại.
Tiết lộ của một chủ cơ sở kinh doanh lan, năm nay, dòng hoa lan pha nhiều màu sắc sặc sỡ, lạ mắt, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường Nghệ An. Màu sắc trên mỗi cánh hoa được tạo ra từ kỹ thuật pha, nhuộm màu của người trồng nhưng kết hợp như thế nào để tạo ra sự độc đáo lại phụ thuộc vào bàn tay tài hoa của người thợ cắm hoa.
Các cơ sở kinh doanh hoa lan lớn phải huy động hàng chục lao động để phục vụ khách. “Từ ngày mùng 10, khách đặt hoa đã bắt đầu đông, thợ làm hầu như không ngơi tay để kịp giao hàng”, anh Nguyễn Long – thợ cắm hoa tại một cơ sở kinh doanh hoa lan trên đường Lê Nin (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thủy – chủ sơ sở kinh doanh hoa lan có tiếng ở TP Vinh (Nghệ An) – cho biết, cơ sở của bà đang có 10 lao động chính tạo đế gỗ lũa, cắm hoa và hơn 20 lao động thời vụ.
“Cái khó nhất là tìm thợ cắm hoa. Thợ cắm hoa thì nhiều nhưng để cắm được bình hoa đẹp, độc, có tính nghệ thuật cao hợp ý khách thì không nhiều người làm được. Tuyển 10 thợ cắm hoa may ra chỉ chọn được một người. Có năm tôi thuê một nhóm thợ 5 người ở Đà Lạt ra nhưng phải mua vé trở về cho 4 người”, bà Thủy nói.
Năm ngoái, chủ cơ sở này đã phải chi gần 350 triệu đồng để mời một nhóm thợ cắm hoa tại TPHCM ra làm việc. Năm nay, bà Thủy mời nhóm thợ ở Thanh Hóa vào.
Theo bà Thủy, tùy theo tay nghề, thợ cắm lan sẽ được trả 15.000-30.000 đồng/cành lan. Có những người thợ giỏi, năng suất lao động cao, có thể đạt thu nhập lên tới 6 triệu đồng/ngày. “Để đạt được mức thu nhập này họ cũng phải trải qua 10 năm “bẻ” cành lan”, bà Thủy nói.
Anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi, quê Thanh Hóa) được đánh giá là một trong những thợ cắm hoa có tay nghề giỏi. Theo tiết lộ của anh Hải, vụ hoa Tết năm ngoái, thu nhập nhờ cắm hoa trong vòng 15 ngày của anh đạt gần 100 triệu đồng.
“Thợ cắm hoa lan đòi hỏi cao về tư duy nghệ thuật, sự tỉ mỉ, nhẫn nại và tính sáng tạo cao. Thường mỗi năm sẽ có một phong cách cắm hoa riêng, thay đổi theo thị hiếu của khách hàng, đòi hỏi người thợ phải luôn học hỏi và không ngừng đổi mới”, anh Hải chia sẻ.
Mỗi cành hoa khi lên chậu đều mang dấu ấn về sự sáng tạo, nhẫn nại, tỉ mỉ và phong cách riêng của từng người thợ.
“Thu nhập cao nhưng thời gian chúng tôi làm việc chủ yếu là từ đêm đến rạng sáng. Thời điểm này yên tĩnh, không bị tác động bởi khách đến xem lan nên năng suất và sự sáng tạo tốt hơn. Tuy nhiên vào những ngày rét 9-10 độ như hiện nay thì làm từ đêm trở về sáng khá vất vả”, anh Hải cho biết thêm.
Những cây lan hồ điệp “siêu vip” được nhập khẩu về phục vụ dân chơi sành về lan có giá 2 triệu đồng/cây. Dưới bàn tay của người thợ, chậu lan có giá gần 40 triệu đồng này tựa như một dòng suối màu hồng.
Nếu như thợ cắm hoa được trả công theo số lượng cành lan thì thợ phụ được trả một mức lương cố định. Trong khoảng thời gian hơn nửa tháng cận Tết Nguyên đán, thợ phụ có thể kiếm được 8-10 triệu đồng tiền công, chưa bao gồm 1 triệu đồng tiền ăn.
Làm nghề cắm hoa lan tuy vất vả nhưng bù lại thu nhập cao, bên cạnh đó người thợ có thêm niềm vui khi tác phẩm nghệ thuật của mình được khách hàng và người đến xem lan trầm trồ.
Thông thường công việc của thợ cắm lan sẽ kết thúc trước ngày 28 Tết. Thời gian còn lại, với số tiền 50-100 triệu đồng thu được từ công việc thời vụ Tết, họ có một khoản tích lũy, sắm sửa cho cái Tết ấm áp, đủ đầy.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm