28 tháng Chạp, anh Nguyễn Văn Thanh (37 tuổi) trở về khu ký túc xá sau ca làm ở nhà máy.
Trên chiếc xe máy cà tàng, nam công nhân chợt chạnh lòng khi ngó thấy những đoàn xe lần lượt rời thành phố, đưa người lao động về quê ăn Tết.
Nhìn lại bản thân, anh Thanh chỉ cười trừ. Vì muốn kiếm thêm thu nhập trong những ngày Tết, anh đành lỡ hẹn vui xuân cùng với gia đình ở Thanh Hóa.
“Vào TPHCM làm công nhân hơn 20 năm, nhưng rất ít khi tôi về quê dịp Tết. Tôi không về là vì muốn ở lại công xưởng để hoàn thành tốt tiến độ công việc, tăng thêm thu nhập, phần vì muốn tiết kiệm tiền để lo cho các con sau này”, anh Thắng bộc bạch.
Không riêng anh Thắng, nhiều công nhân ở khu ký túc xá Đại Dũng (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cũng quyết định đón Tết xa nhà. Với nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ chấp nhận đánh đổi, bỏ lỡ những giây phút bên cạnh gia đình trong dịp lễ quan trọng nhất năm.
“Chạy đua” ở công xưởng
Khi nhiều người đã chuẩn bị đón Tết, tại nhà máy thuộc Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM), hàng trăm công nhân vẫn đang hì hục làm việc trong tiếng chuyển động không ngừng của máy móc.
Theo ông Nguyễn Văn Định, giám đốc nhà máy, trong số 3.200 công nhân tại công ty, có hơn 300 công nhân đăng ký làm xuyên Tết, không về quê.
Anh Nguyễn Văn Thanh là một trong những công nhân chọn ăn Tết xa nhà để dồn hết sức lực cho công việc ở xưởng. Mặc dù công ty có tài trợ kinh phí và xe đi lại cho công nhân về quê ăn Tết, nhưng anh Thanh vẫn chọn ở lại.
“Một phần vì công ty đã đối đãi rất tốt với tôi trong năm qua, nên lúc công ty cần thì tôi không thể vắng mặt. Một phần do tôi cũng muốn tiết kiệm, vì nếu muốn ăn Tết với gia đình, tôi phải “thủ” sẵn 20 triệu đồng để biếu bố mẹ và sắm sửa ngày Tết”, nam công nhân trải lòng.
Làm trong lĩnh vực cơ khí, công việc của anh có phần vất vả, nặng nhọc. Tan ca với bộ quần áo lấm lem, thỉnh thoảng anh mở ảnh gia đình ra xem để tiếp thêm động lực.
Năm nay, giao thừa đã cận kề, nhưng nam công nhân chỉ có thể ngắm Tết quê qua màn hình điện thoại. Mâm cơm đêm giao thừa chính là ký ức quý giá nhất, luôn xuất hiện trước lúc anh rơi vào giấc ngủ ở căn phòng ký túc xá.
Lắm lúc, cảm giác chạnh lòng, tủi thân là thứ mà anh không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, mỗi khi nghĩ đến thành quả lao động, nhận trên tay đồng tiền mà mình làm ra, anh lại mừng rỡ bởi mọi thứ được đền đáp xứng đáng.
“Nghĩ đến đây tự dưng hết buồn. Xa quê bao nhiêu năm nay, người lao động như tôi chỉ mong kiếm được thật nhiều tiền. Vì có tiền là có Tết rồi”, anh Thanh nói nửa đùa, nửa thật.
Anh Nguyễn Thanh Lập (35 tuổi), tổ trưởng cắt CNC, chia sẻ trong nhiều năm làm việc ở nhà máy, anh từng không ít lần chứng kiến cảnh công nhân phải đón Tết ngay tại xưởng. Sống ở TPHCM, anh Lập thú nhận khó có thể cảm nhận được nỗi lòng của những người con xa nhà trong dịp lễ đoàn viên.
“Trong công việc, hầu như các đồng nghiệp đều tập trung cống hiến hết mình. Nhưng đôi lúc trong giờ nghỉ giải lao, họ cũng không giấu được nỗi nhớ nhà trên nét mặt. Bản thân tôi cũng cố gắng động viên, an ủi anh em”, anh chia sẻ.
Theo anh Lập, vì làm việc trong ngành cơ khí nên anh và các công nhân phải làm việc khá nặng nhọc. Không những vậy, trình độ chuyên môn luôn phải vững, bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ cũng có thể khiến cả một dây chuyền phải làm lại từ đầu.
Hằng ngày, nhiệm vụ của anh Lập là hướng dẫn công nhân ở nhà máy hoàn thành từng phân đoạn trong dây chuyền sản xuất.
Nhìn tờ báo cáo tiến độ đã đạt 80%, nam tổ trưởng nhoẻn miệng cười vì thầm biết “túi tiền của anh em công nhân đã được lấp đầy”.
“Bất kỳ công việc nào cũng vất vả và có nỗi khổ riêng. Nhưng trước tình hình kinh tế đang khó khăn, đối với công nhân chúng tôi, có một công việc để làm đã làm một niềm hạnh phúc. Tết không ở nhà mà ở công xưởng, thay vì nghe tiếng đốt pháo, hằng ngày chúng tôi nghe tiếng máy đập vào nhau cũng cảm thấy vui tai”, anh Lập cười, nói.
“Tết này mình không về hả bố?”
“Một, hai, ba, dô! Một, hai, ba, uống!”, anh Bùi Văn Thắng (54 tuổi) hô to. Xung quanh anh, người lớn, trẻ con ai nấy cũng cười lớn.
Thấy còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, anh Thắng và nhiều công nhân sống tại khu ký túc xá Đại Dũng đã cùng nấu ăn, tổ chức buổi tiệc tất niên nhỏ. Được biết, đây là khu ký túc xá do Công ty Cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng xây dựng (DDC), để công nhân nhà máy đến ở trong thời gian làm việc tại công ty.
Cảnh quay quần ấy khiến họ trông như một gia đình thực thụ. Người đến từ Thanh Hóa, người đến từ Nghệ An, họ chỉ có một điểm chung cùng là công nhân tha hương, đón Tết xa nhà.
“Có lẽ vì điểm chung duy nhất ấy mà chúng tôi thương và đùm bọc lẫn nhau”, anh Thắng cười xòa, lau vết nhớt còn dính trên mặt do vừa trở về từ nhà máy.
Anh Thắng là công nhân tại DDC. Vào TPHCM lập nghiệp hơn 20 năm, đây là lần đầu anh Thắng “nếm mùi” đón Tết xa quê.
Nhìn những công nhân khác gói ghém đồ đạc chuẩn bị về nhà, anh Thắng thấy cảm xúc trong lòng vô cùng khó tả.
“Không về là do mình chọn nhưng cảm giác khó tả quá. Công ty cũng tài trợ chi phí, ô tô cho về nhưng tôi quyết định ở lại. Nói không nhớ nhà là nói dối, nhưng biết làm sao được, phía trước còn nhiều thứ để lo…”, anh Thắng nói.
Nhiều ngày qua, anh em, bố mẹ ở quê đang tất bật trang hoàng nhà cửa. Riêng anh Thắng thì vẫn đều đặn đến nhà máy theo lịch trực ca. Thời gian rảnh, anh sẽ gọi điện về nhà thăm hỏi.
Giờ đây, cảnh ra chợ lựa cành đào, chậu quất cùng gia đình, anh Thắng chỉ có cơ hội ngắm qua lớp màng mỏng của chiếc điện thoại sờn cũ.
Lúc nghe con hỏi “Tết này mình không về hả bố?”, anh Thắng đành nói gọn “hẹn năm sau” rồi lảng sang chuyện khác cho đỡ buồn.
“Tôi nhớ những ngày đầu vào TPHCM, bản thân rất nhớ vợ, nhớ con. Sự nhọc nhằn của công việc cũng không sánh bằng thứ tình cảm to lớn ấy. Sau này vợ con vào sống cùng, tôi cảm thấy được an ủi phần nhiều. Nhưng thú thật, không đâu bằng ở quê mình, Tết nào mà bằng Tết ở quê…”, nói đến đây, khóe mắt anh cay cay.
Trong lúc rơi vào trầm ngâm, anh Thắng chợt giật mình khi nghe tiếng í ới của đồng nghiệp, gọi anh quay trở lại bàn tiệc.
Một số người để ý đôi mắt đỏ ửng của anh Thắng, ngầm đoán chắc hẳn anh đang nhớ nhà. Vài thanh niên tiến tới khoác vai, một lần nữa mời anh nâng ly.
Trong sự rộn rã của bữa tiệc nhỏ, thoáng nghe thấy tiếng anh Thắng tâm sự về một năm cũ đầy vất vả. Nhưng trong số những câu chuyện ấy, anh cũng nhiều lần bày tỏ rằng bản thân cảm thấy may mắn. Bởi anh có được những đồng nghiệp thân thương và được làm việc ở một công ty trân trọng người lao động.
Không chỉ riêng anh Thắng, trong năm mới, những công nhân ở xóm trọ đều mong ước công việc thật ổn định để có một cuộc sống tốt hơn, không còn chịu cảnh “khát” Tết quê nữa.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng, cho biết hơn 10 năm qua, đơn vị luôn đều đặn tổ chức chương trình “Chuyến xe yêu thương – Đưa công nhân về quê đón Tết”.
Tết Nguyên đán 2024, công ty đã bố trí 2 chuyến xe để đưa 80 công nhân về quê và 1 chuyến đón công nhân tại các tỉnh thành phía Bắc vào lại; hỗ trợ chi phí đi lại, tiền ăn dọc đường cho hơn 600 công nhân (mức cao nhất 1,5 triệu đồng/người).
Đêm 25 tháng Chạp (ngày 4/2), chuyến xe đưa 80 công nhân về quê đón Tết xuất phát (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Tổng kinh phí tài trợ cho công nhân về quê ăn Tết là hơn 800 triệu đồng. Trước đó, công ty cũng đã tặng cho mỗi công nhân 1 phần quà Tết, trị giá 350.000 đồng/phần. Tết là dịp để công nhân được đoàn tụ với gia đình, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả nên công ty rất chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng này của các công nhân”, ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức nhiều hoạt động vui xuân như hội thi gói bánh chưng, tiệc tất niên…
Tại khu ký túc xá của công ty, công đoàn cũng đã đến thăm hỏi, trao quà và tặng lì xì động viên.
Trên địa bàn TPHCM, công ty TNHH may thêu Thuận Phương (quận 6, TPHCM) cũng hỗ trợ tiền tàu xe cho nhân viên về quê như mọi năm. Được biết, 6.000 công nhân viên của công ty cũng đã nhận được phần quà Tết trị giá 550.000 đồng/phần trong tuần qua.
Ngoài ra, công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC Ce Complex (SEHC, Khu Công nghệ cao, TPHCM) cũng tài trợ 60 chuyến xe đưa hơn 2.000 công nhân về quê ăn Tết.
Ảnh: Nguyễn Vy
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm