Ngày 25/6, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết đã xác định nguyên nhân khiến gần 30 tấn cá nuôi của người dân xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) bị chết hàng loạt.
Qua kết quả đo đạc các thông số tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định, cá chết hàng loạt ở xã Xuân Cảnh do hàm lượng oxy hòa tan rất thấp kéo dài (khoảng 2-3 mgO2/l), dưới ngưỡng chịu đựng của các loài cá nuôi.
Tình trạng trên xảy ra do đồng thời các nguyên nhân như mật độ lồng nuôi quá dày, trong đó có nhiều bè nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm (thường gọi là cơm cháy, đồng đen) gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều oxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu oxy cục bộ tại vùng nuôi;
Mực nước trong khu vực nuôi thấp (khoảng 2-3m khi triều cường), biên độ triều thấp, hầu như không có dòng chảy.
Bên cạnh đó, khoảng thời gian 2-3 ngày trước khi cá chết, tại khu vực này thời tiết nắng nóng bất thường kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt (trên mặt mát, dưới đáy nóng), thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng oxy hòa tan, phát sinh khí độc… ảnh hưởng trực tiếp các loài cá.
Trước đó, vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22/6, tại khu vực thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè bị chết đột ngột với số lượng lớn.
Ước tính đến 9h30 ngày 23/6, gần 30 tấn cá nuôi các loại (cá mú, cá bớp, cá chim, cá bè) của 33 hộ nuôi ở xã Xuân Cảnh bị thiệt hại; cá chết có kích cỡ 0,3-1kg/con.
Các đây 1 tháng, sau cơn mưa dông trái mùa, 67 tấn tôm hùm và 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi tại các xã, phường trên địa bàn thị xã Sông Cầu chết hàng loạt, ước thiệt hại hơn 38 tỷ đồng.
Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôm hùm ở Phú Yên chết không phải do dịch bệnh, mà do số lượng lồng nuôi quá dày; nền đáy bùn có mùi hôi thối và nhiều vỏ động vật thân mềm khiến vùng nuôi thiếu oxy.
Khuyến cáo cho người nuôi
Trước tình hình cá nuôi, tôm hùm chết hàng loạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Phú Yên khuyến cáo người dân chỉ bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4m khi triều kiệt;
Mật độ lồng và cá nuôi phù hợp với chất lượng nước và khả năng lưu thông nước của vùng nuôi, tăng khoảng cách giữa các lồng, bè nuôi để tạo điều kiện nước lưu thông tốt, tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi, không tăng số lượng lồng nuôi;
Thường xuyên vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; quan sát môi trường nước vùng nuôi, kiểm tra tình hình sức khỏe cá nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra;
Tăng sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C và vitamin tổng hợp, chế phẩm sinh học, khoáng chất… vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá, thủy sản nuôi;
Trong ngày vào những thời điểm nắng nóng, oi bức, có mưa dông nên giảm bớt lượng thức ăn cho cá, tôm; không sử dụng thức ăn bị ươn, thối cho ăn để giảm ô nhiễm môi trường; định kỳ rắc vôi xung quanh lồng; treo túi vôi, thuốc tím ở các góc lồng giúp khử khuẩn, làm sạch môi trường vùng nuôi;
Sử dụng các vật liệu chống nắng (bạt, lưới lan…) che mát lồng nuôi khi thời tiết nắng nóng kéo dài; bố trí máy sục oxy hoặc máy bơm để tạo dòng chảy, bổ sung oxy vào ban đêm hoặc trong trường hợp cần thiết.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm