Nghề truyền thống 100 năm đang bị mai một
Tại Nghệ An có 2 huyện là Diễn Châu và Quỳnh Lưu sản xuất muối hơn 100 năm qua với tổng diện tích 800ha. Sản xuất muối hiện nay chủ yếu theo phương pháp thủ công truyền thống nên không cạnh tranh được với các tỉnh, thành và khu vực sản xuất hiện đại. Những năm qua, giá thấp nên nhiều diện tích ruộng muối ở Nghệ An bị bỏ hoang.
Những ngày cuối tháng 6, khi thời tiết nắng gay gắt, chúng tôi có mặt tại xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu nhưng trên cánh đồng muối rộng gần 100ha của Hợp tác xã Vạn Nam và Vạn Đông chỉ lác đác vài người ra đồng.
Bà Huệ, một diêm dân, xóm Vạn Đông, xã Diễn Vạn, thở dài: “Muối rẻ quá, không đáng công làm, dân chán bỏ nghề hết rồi. Thanh niên thì đi làm công nhân, phụ hồ, phụ nữ thì đi giúp việc, kiếm nghề khác sinh sống. Giờ chỉ còn ít hộ người già như chúng tôi làm nghề thôi, không ăn thua gì…”.
Gia đình bà Huệ có hơn 100m2 ruộng muối. 5h, bà ra đồng lắng lọc nước biển rồi múc nước chạt lên sân phơi, đến 8h xong việc. 11h, bà lại ra đồng, đưa cát đã phơi khô vào các ô lắng lọc. Khoảng 16h, khi muối trên các sân phơi đã kết tinh, bà tiến hành thu hoạch.
Theo bà Huệ, khi trời nắng đẹp, mỗi ngày, bà thu nửa tạ muối, bán được hơn 70.000 đồng. Hôm nào trời đổ mưa, coi như cả ngày công cốc. Nghề muối cực nhọc song thu nhập chẳng được là bao. Lúc thấp nhất, giá muối chỉ còn 120.000-130.000 đồng/tạ. Còn năm nay xem như được giá khoảng 150.000 đồng/tạ. Một tạ muối chưa đổi được 1 yến gạo.
Ông Hoàng Ngọc Biên, Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Vạn Nam cho biết, thời gian để hoang dài, các ô kết tinh, ô chạt lọc… bị hư hỏng, phải làm lại khi bước vào vụ mới nên chi phí đầu tư khá lớn. Trong khi đó, giá muối thấp khiến người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống.
Bên cạnh cánh đồng muối Vạn Đông, xã Diễn Vạn là cánh đồng muối Nam Liên, xã Diễn Kim. Cánh đồng muối rộng mênh mông nhưng toàn cỏ dại, không một bóng người. Các nhà kho chứa muối, bỏ tan hoang.
Dạo một vòng quanh cánh đồng muối, chúng tôi mới tìm gặp được một người duy nhất ra đồng làm nghề.
Bà Nguyễn Thị Mão, diêm dân xóm Nam Liên (xã Diễn Kim, Diễn Châu), vừa đưa tay quệt mồ hôi trong cái nắng gay gắt, vừa buồn bã nói: “Họ bỏ hết rồi, không ai làm nữa. Chỉ có mấy người già như chúng tôi còn làm thôi. Nhà tôi có gần 130m2 ruộng muối. Mỗi ngày làm kiệt lực cũng chưa được trăm ngàn. Nhưng không có việc gì làm cũng phải làm thôi, cực lắm”.
Ông Hoàng Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND xã Diễn Vạn, cho biết: “Diễn Vạn có truyền thống sản xuất muối hơn 100 năm rồi. Hiện xã có 2 hợp tác xã sản xuất muối. Trước đây có 384 hộ làm muối nhưng giờ chỉ còn hơn 50 hộ, công thấp quá họ bỏ hết. Trước đây nhiều nhà giàu lên từ làm muối và đi bán muối…
Giờ đây, hộ nào làm tốt nhất, ngày cũng chỉ được hơn 200.000 đồng nên họ bỏ đi làm nghề khác. Nghề bán muối dạo cũng bỏ 95%, chỉ còn vài chục hộ gom muối chở lên các huyện miền núi bán. Những người trẻ chủ yếu họ đi xuất khẩu lao động. Xã cũng đề xuất huyện cho chuyển đổi một số ruộng muối thành đất nuôi tôm và cá vược”.
Trăn trở nghề muối
Còn tại xã Diễn Kim, trước có hơn 500 hộ làm nghề muối nhưng nay còn khoảng 100 hộ làm nghề. Hầu hết ruộng xản xuất muối bị bỏ hoang.
Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim, cho biết: “Hiện nay diêm dân chuyển sang làm nhiều nghề khác nhau, cho thu nhập hơn nghề muối nên nhiều diện tích bỏ hoang. Dù sản xuất muối đươc hỗ trợ bạt ni lông và tiền cấp bù thủy lợi phí nhưng giá muối thấp quá nên họ không làm. Xã cũng muốn chuyển đổi sang đất nuôi trồng thủy sản và đất khác nhưng phải chờ quy hoạch”.
Bên cạnh xã Diễn Vạn và Diễn Kim, hơn 26ha đất sản xuất muối ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cũng bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ dại mọc um tùm. Cánh đồng muối trở thành nơi chăn thả trâu bò.
Ngoài huyện Diễn Châu, tại Nghệ An có một số xã như Quỳnh Thuận, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu) cũng làm nghề muối từ nhiều năm qua. Tuy nhiên hiện nay nhiều diện tích ruộng muối bỏ hoang.
Nghề muối gặp nhiều khó khăn, sản xuất thu hẹp, không phát huy hiệu quả, các làng nghề muối truyền thống có nguy cơ mai một. Nguyên nhân chính là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; diện tích sản xuất muối sạch, chất lượng cao phát triển chậm, năng suất hạn chế, giá thấp.
Để hỗ trợ nghề muối và người dân, UBND tỉnh Nghệ An đã trình HĐND tỉnh này ban hành các nghị quyết, đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối trên địa bàn giai đoạn 2023-2030 với 3 dự án. Trong đó, dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối với tổng vốn 100 tỷ đồng…
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 500ha diện tích làm muối thuộc địa bàn hai huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Vị lãnh đạo Sở này chưa nắm được số diện tích, nguyên nhân của thực trạng nêu trên.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm