Bỏ nghề phiên dịch, sang Thái Lan học làm giàu
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Quảng Ninh, Quách Văn Cường (SN 1989), chàng trai dân tộc Mường ở xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) vào TPHCM lập nghiệp. Tuy nhiên, do không tìm được việc làm đúng chuyên ngành, anh quyết định học thêm tiếng Trung.
Sau khi kết thúc khóa học tiếng Trung, anh Cường làm phiên dịch tại các công ty xuất nhập khẩu nông sản ở TPHCM. Công việc phiên dịch mang lại thu nhập ổn định nhưng yêu cầu phải di chuyển nhiều, anh thấy không phù hợp. Chàng trai Mường ấp ủ tìm một công việc khác ở quê nhà để lập nghiệp.
Năm 2021, trong một lần về quê, anh Cường thấy trên mạng có mô hình nuôi dúi đem lại thu nhập cao. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế của quê nhà, anh quyết định học cách nuôi dúi từ các trang trại ở Thanh Hóa và Thái Lan.
Bất ngờ trước quyết định của Cường, gia đình anh lo lắng, mọi người ra sức can ngăn.
“Làm phiên dịch viên có thu nhập ổn định nhưng phải di chuyển rất nhiều. Tôi vốn ưa thích cuộc sống cố định nên luôn mong muốn được quay trở về quê ổn định cuộc sống. Lúc đầu mọi người trong gia đình không đồng ý, nhưng thấy tôi quyết tâm nên mọi người đã xuôi theo”, anh Cường nói.
Cuối năm 2021, sau khi nắm vững các kiến thức và kỹ thuật nuôi dúi, Cường tận dụng khu đất trang trại của gia đình để xây chuồng trại, nuôi thử nghiệm vài chục cặp dúi mốc. Sau đó, anh mở rộng mô hình nuôi thêm dúi má đào có nguồn gốc từ Thái Lan.
“Cách đây vài năm, dúi má đào được nhiều người yêu thích, đặt hàng nên tôi chuyển sang nuôi thêm. Để nuôi thành công loài dúi này, mỗi tháng tôi phải sang Thái Lan 5-6 ngày, học cách nuôi, chăm sóc dúi. Đến nay, về các kỹ thuật nuôi dúi má đào, tôi đã nắm chắc, gặt hái thành công ngoài mong đợi”, anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, trang trại của anh hiện bán chủ yếu dúi giống, trung bình hơn 200 cặp được xuất trại mỗi năm.
Thu 500 triệu đồng mỗi năm nhờ bán hàng qua mạng
Anh Cường cho biết, sau khi nuôi dúi, anh đã có cuộc sống ổn định ở quê nhà như mong đợi. Anh xây được một căn nhà khang trang trị giá cả tỷ đồng và tậu xe hơi.
Theo ông chủ 8x, dúi là loài vật ăn ít, thức ăn chủ yếu gồm mía, ngô, thân cây tre. Mỗi năm dúi sinh sản 2 lần, mỗi lần 3-5 con. Nuôi loại vật này phải đảm bảo chuồng trại thông thoáng, mát mẻ. Thông thường, mỗi ngày anh Cường cho dúi ăn 2 lần (sáng và chiều).
“Quê tôi ở vùng núi cao, thức ăn cho dúi khá dễ tìm. Ngoài cho dúi ăn thân tre, tôi còn trồng thêm mía để chăn nuôi, tiết kiệm chi phí”, anh Cường chia sẻ.
Ngoài việc nắm vững kỹ thuật nuôi, anh Cường cho biết việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cũng đóng vai trò quyết định. Sau khi cung cấp con giống cho khách hàng, anh thường nhận bàn giao kỹ thuật, bảo hành và liên kết tiêu thụ cho bà con nông dân.
Hiện anh Cường liên kết với khoảng 30 hộ dân nuôi dúi trên cả nước, nhờ đó mà nguồn hàng cung cấp ra thị trường luôn dồi dào và sẵn có.
Không chỉ vậy, anh Cường còn áp dụng chiến thuật bán hàng trên mạng để mở rộng thị trường.
“Sau mỗi lần đi Thái tham quan các mô hình, tôi thường quay video làm tư liệu, sau đó nhận các đơn đặt hàng của khách thông qua fanpage trên mạng xã hội Facebook. Với giá bán 4,5 triệu đồng/cặp, trừ hết chi phí, mỗi năm tôi thu về khoảng 400-500 triệu đồng”, anh Cường nói.
Ông Dương Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh, cho biết mô hình nuôi dúi của anh Quách Văn Cường khá mới mẻ và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở địa phương.
Theo ông Chinh, toàn xã có hơn 450ha diện tích đất nông nghiệp, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, mía và chăn nuôi. Những năm gần đây, trên địa bàn phát triển nhiều mô hình nuôi con đặc sản như dê, dúi.
“Địa phương có nhiều tiềm năng để người dân phát triển nuôi dúi. Mô hình nuôi dúi của gia đình anh Cường là mô hình điển hình. Nhận thấy đây là con nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi đã khuyến khích các hộ dân học tập và thử nghiệm với mô hình này. Hiện toàn xã có khoảng 3-4 hộ dân đang nuôi dúi”, ông Chinh chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm