Nhiều ngày nay, dọc tuyến quốc lộ 27 đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, hàng chục điểm thu mua cau tươi luôn tấp nập người ra vào.
Trồng cau xung quanh các khu rẫy từ gần 20 năm trước, ông Nguyễn Đình Lâm (trú xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) không giấu được niềm vui khi giá cau tươi năm nay lên tới 100.000 đồng/kg.
Ông Lâm cho biết, gia đình có hơn 5.000 cây cau trồng xen, vừa qua ông đã thu hoạch được khoảng 40 tấn và còn hơn 10 tấn đang cho thu hoạch. Dự kiến nguồn thu từ cau tươi năm nay mang lại khoảng nửa tỷ đồng cho gia đình ông.
“Sắp tới tôi dự kiến trồng thêm 2.000 cây để tăng nguồn thu, cau giống hiện khan hiếm, chúng tôi mua tới 10.000 đồng/quả”, ông Lâm nói.
Ông Lâm nói thêm, cây cau sau 3 năm trồng sẽ cho thu hoạch bói và sau 4 năm sẽ cho thu hoạch chính. Trồng cau không tốn công chăm sóc, rất phù hợp trồng xen xung quanh các rẫy cà phê, hồ tiêu.
Không riêng hộ ông Lâm, nhiều hộ dân khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trồng cau đều phấn khởi trước giá đạt đỉnh chưa từng có.
Với kinh nghiệm hơn 4 năm thu mua cau, anh Nguyễn Văn Hào (43 tuổi, chủ một vựa thu mua cau dọc quốc lộ 27) cho biết những năm trước giá khá thấp, có thời điểm chỉ 2.000-4.000 đồng/kg nhưng việc mua kén chọn do đầu ra khó khăn.
“Từ tháng 6 năm nay, giá cau bắt đầu tăng cao, ổn định, đầu ra thuận lợi. Mỗi ngày cơ sở chúng tôi mua được 5-10 tấn cau tươi”, anh Hào nói.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin, cho biết, ghi nhận thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cau không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc; cau được xuất khẩu tiểu ngạch, chưa có mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Minh, trên địa bàn huyện Cư Kuin hiện có khoảng 140ha cau trồng xen các khu rẫy, ít khu vực trồng thuần.
“Do giá cau không ổn định nên chúng tôi khuyến cáo bà con chú trọng phát triển cây trồng chủ lực cà phê, hồ tiêu… và trồng cau xen hoặc trồng khu vực hàng rào để tăng thêm thu nhập, không nên phát triển ồ ạt”, ông Minh chia sẻ.
Ngoài giá cau cao kỷ lục, trên địa bàn xảy ra tình trạng “cháy” cây cau giống khi bà con nườm nượp đổ về các vựa cây giống để hỏi mua.
Tại một vựa cây giống trên địa bàn xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), người bán luôn thông báo “cháy” hàng, không đủ nguồn giống để cung cấp, mặc dù giá cây cau đã tăng từ 15.000 đồng/cây lên 25.000 đồng.
Trong khi đó, cau giống cũng tăng từ 2.000 đồng/quả lên 7.000-10.000 đồng/quả nhưng nhà vườn vẫn không đủ nguồn hàng để bán.
“Nếu như năm trước tôi bán cây cau giống chỉ 3.000 đồng/cây nhưng rất hiếm người hỏi mua thì đến năm nay thì khác hẳn, có bao nhiêu cây giống, người tấp nập đến hỏi mua bấy nhiêu”, chủ một vựa cây giống chia sẻ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, năm 2023, toàn tỉnh này có trên 1.300ha cau, tổng sản lượng trên 8.100 tấn.
Với giá cau tăng và thực trạng người dân đổ xô mua cây giống, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, tránh mở rộng diện tích ồ ạt do cau không phải loại cây trồng chính và không nằm trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, giá cau thường xuyên biến động, lên xuống thất thường và hiệu quả kinh tế chưa được đánh giá rõ ràng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm