“Không ai muốn nghỉ việc lúc này”
Sáng 11.7, mặc dù thời tiết Hà Nội đang trong những ngày cao điểm của đợt nắng nóng, song số người đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp không hề thuyên giảm, thậm chí còn tăng mạnh so với các tháng trước đây.
Theo lịch hẹn, chị C.H (41 tuổi) cùng 2 đồng nghiệp có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Hà Nội để khai báo tình trạng thất nghiệp từ sớm.
Chị H. buồn bã kể: “Chị em chúng tôi làm nhân viên kinh doanh tại một công ty trong lĩnh vực phát hành sách đã gần 10 năm. Lương tháng trước đây từ 8 – 10 triệu đồng cũng tạm ổn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sách ế ẩm, không bán được.
2 năm qua, chúng tôi kiếm việc làm thêm, chị em bảo nhau lương thấp cũng được, cùng cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này, bởi ở tuổi này không ai muốn nghỉ việc cả. Đến tháng 4, không thể cầm cự, công ty cho nghỉ không lương và đến tháng 6 thì chính thức cho nhân viên nghỉ việc”.
Theo chị H., trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp, chị đã tìm một số công việc nhưng chưa thấy phù hợp nên tạm thời ở nhà lo công việc nội trợ trong gia đình. Tuy nhiên, về lâu dài cũng phải kiếm công việc khác để lo tiền ăn học cho các con.
Hầu hết các lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp đều mang tâm trạng nặng trĩu lo âu, bởi tìm việc ở giai đoạn này không hề dễ dàng. Anh Trần Văn Tuấn (27 tuổi), từng là nhân viên công ty kinh doanh bán hàng tổng hợp có vốn đầu tư nước ngoài, chia sẻ: “Công ty tôi đi vào hoạt động ở Việt Nam mới được 2 năm, gặp đúng thời điểm dịch bệnh, suy thoái kinh tế, hàng hóa không bán được, công ty phá sản. Chỉ riêng khu vực Hà Nội, 35 nhân viên phải nghỉ việc”.
Anh Tuấn cho biết, trước đây anh học Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, ngành điều khiển tự động hóa, nhưng ra trường không làm đúng ngành nghề. Còn bây giờ, trong thời gian tìm việc mới, anh đang làm nhân viên pha chế cho một quán bar ở phố cổ Hà Nội.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nghề nghiệp, tương lai của mình. Nếu trong 2 tháng tới không tìm được việc, có lẽ tôi sẽ về quê lập nghiệp. Mình 27 tuổi rồi, cũng không thể lông bông, phiêu lưu ở thành phố mãi được”, anh Tuấn bộc bạch.
Trái ngược với anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Thanh (quê H.Yên Định, Thanh Hóa) từng làm công nhân công ty giày da 8 năm, dù công ty chưa sa thải nhưng chị đã tự xin nghỉ việc.
Chị Thanh chia sẻ: “Cực chẳng đã tôi mới phải xin nghỉ, ai chẳng muốn có công ăn việc làm ổn định. Công ty không tăng ca, không có việc làm thêm, lương 5 – 6 triệu đồng/tháng không đủ nuôi 2 đứa con học cấp 3 sắp vào đại học. Tôi đã xin nghỉ việc, theo chị em cùng quê ra Hà Nội làm giúp việc, dọn nhà theo giờ. Công việc vất vả hơn ở quê, nhưng còn hơn là nhàn mà không có tiền”.
Doanh nghiệp FDI sa thải hàng trăm lao động
Theo thống kê của Trung tâm DVVL Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 43.574 người (tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022); số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 42.892 người (tăng 31%).
Riêng trong tháng 6, có gần 10.000 hồ sơ làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp. Lượng người đăng ký tăng mạnh so với các tháng khác và cùng thời điểm những năm trước, thậm chí cao hơn cả lúc đại dịch.
Lý giải về nguyên nhân gia tăng số người thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, cho hay: “Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, các tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đơn hàng cắt giảm nên không ký lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với người lao động”.
Theo bà Liễu, qua thu thập, thống kê và phân tích hồ sơ người lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp, doanh nghiệp sa thải nhiều nhất tập trung vào khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Những ngành nghề sa thải nhiều lao động gồm: xây dựng; buôn bán lẻ; thợ may, thợ thêu; nhân viên bán hàng; kỹ thuật viên điện tử; kế toán…
Đáng chú ý, lao động bị sa thải tập trung vào nhóm có hợp đồng lao động từ 12 – 36 tháng và nhóm có hợp đồng không xác định thời hạn. Độ tuổi sa thải lao động là trên dưới 35. Mặc dù không có những doanh nghiệp sa thải hàng nghìn lao động như các tỉnh phía nam, song lãnh đạo Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết cũng đã ghi nhận có hàng trăm công nhân thuộc doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử đến làm thủ tục trong tháng 6.
Tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động
Do số lượng người làm hồ sơ tăng mạnh, Trung tâm DVVL Hà Nội đã phải tăng cường thêm 10 nhân viên và phải tăng giờ làm thêm để xử lý các hồ sơ. Ngoài ra, tại các điểm sàn giao dịch việc làm sẽ có các cán bộ hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia để giảm tải lao động đến khai báo trực tiếp.
“Dù số lượng tăng cao nhưng không xảy ra tình trạng phải chen chân, xô đẩy nhau xếp hàng từ sáng sớm như hồi dịch Covid-19. Phần lớn lao động sau nghỉ, mất việc đều muốn quay lại thị trường sớm hơn thay vì đi học nghề. Nhiều người nộp hồ sơ nhận trợ cấp 1 – 2 tuần rồi lại có đơn xin hủy vì đã tìm được việc làm mới”, bà Liễu thông tin.
Trước thực trạng lao động thất nghiệp tăng cao, Trung tâm DVVL Hà Nội cho biết đang thống kê, phân tích số liệu để tổ chức các phiên giao dịch việc làm phù hợp với cung – cầu thị trường.
Trong tháng 8 và tháng 9 tới, trung tâm này dự kiến sẽ tổ chức các phiên lưu động tại các quận, huyện như: Ba Đình, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Vì, Đông Anh; ngoài ra, sẽ tổ chức từ 1 – 2 phiên giao dịch việc làm chuyên đề.
“Căn cứ yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục gắn kết với lực lượng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cụ thể. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ nhiều nhất cho doanh nghiệp trong tuyển dụng và người lao động tìm được công việc phù hợp, có thu nhập bảo đảm cuộc sống. Hy vọng với các giải pháp vĩ mô của Chính phủ, thị trường lao động sẽ dần khôi phục”, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội, nói.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h