Gen Z mê sách cũ
Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghiệp điện tử, anh Trịnh Hán Quang (24 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) bất ngờ chuyển hướng đi làm phục chế sách cũ. Gia đình kịch liệt phản đối. Ba mẹ lo Quang khó có thể nuôi nổi bản thân khi theo nghề được cho là đang dần mai một. Dẫu vậy, chàng trai vẫn cố thực hiện đam mê với sách cũ.
Đầu năm 2022, Quang tận dụng căn phòng nhỏ ở nhà để làm xưởng, với một chiếc bàn, chiếc tủ nhỏ, chiếc máy ép sách bằng gỗ và bắt đầu khởi nghiệp.
Quyển sách đầu tiên chàng trai được khách giao là cuốn Từ điển Pháp-Việt của tác giả Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1884. Quyển sách bị hư hại nặng, mọt ăn sâu vào các trang sách, chỉ công đoạn gỡ bìa và các trang đã mất 2 ngày. Sau 15 ngày căng mắt vá những lỗ thủng, quyển sách đã lành lặn lại, khiến cả chủ nhân và thợ phục chế cùng hân hoan, vui sướng.
“Việc tự tay “hồi sinh” những quyển sách cũ khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là cảm giác tôi chưa từng có khi làm những công việc khác”, anh Quang hào hứng nói.
Anh cho biết, để đưa một quyển sách đã cũ, hư hỏng nặng về tình trạng ban đầu có khoảng 10 bước. Đầu tiên phải xem xét chất lượng giấy, kiểm tra độ hư hại của sách, tháo rời từng trang. Kế đến là xử lý, dán, vá các phần bị hư hại rồi cuối cùng là ép sách.
“Khó nhất chính là công đoạn gỡ gáy sách. Người thợ phải tập trung, thao tác cẩn thận, tỉ mỉ để giữ gáy sách được nguyên vẹn. Công đoạn này thường sẽ chiếm hơn nửa ngày”, anh Quang chia sẻ.
Giờ đây khi đã lành nghề, anh Quang chỉ mất 1 ngày để sửa chữa 1 quyển sách, chỉ rơi vào những ca khó, thời gian mới cần dài hơn.
Giá cho mỗi quyển sách phục chế dao động từ 380.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào độ hư hại và yêu cầu của khách. Công việc này giúp Quang có thể kiếm được khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.
Nghề giữ gìn kí ức cũ xưa
Hơn 1 năm theo đuổi công việc, chàng trai 24 tuổi đã phục hồi hơn 1.000 quyển sách. Anh có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người cùng chí hướng, nghe rất nhiều câu chuyện cảm động. Đối với anh, đó chính là động lực để kiên trì theo đuổi công việc tưởng như già nua, nhàm chán này.
Anh kể: “Một vị khách đã nhờ tôi sửa quyển Robinson Crusoe của tác giả Daniel Defoe. Quyển sách rất bình thường với mọi người, nhưng đối với ông ấy, đó là di vật thiêng liêng, vô giá mà người cha quá cố để lại, không gì có thể thay thế được.
Khi đó, tôi tự nhủ mình phải sửa cuốn sách này cho bằng được. Ngày giao sách, vị khách tóc muối tiêu cầm món kỷ vật nguyên hình, lành lặn mà vỡ òa cảm xúc. Giây phút đó, tôi cảm thấy công việc mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết”.
Từ đó, Quang nhận ra, thời đại số không có nghĩa những ngành nghề thủ công về sách sẽ bị mất đi. Thậm chí, nghề này sẽ có những cấp độ phát triển mới, nhiều hơn nữa trong tương lai.
Theo anh, hiện tại, nhiều người đang có nhu cầu cất giữ, sưu tầm những quyển sách cổ, những quyển gắn liền với câu chuyện hoặc cảm xúc đặc biệt. Họ muốn gìn giữ những kí ức đó lâu dài nhất có thể, bởi dù công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể giúp họ quay trở lại cảm giác cũ.
“Tôi hạnh phúc vì có thể tự tay phục hồi những quyển sách nát, xấu xí trở lại như cũ, giúp khách hàng “khâu vá” lại những kí ức của họ”, anh hào hứng nói.
Hiện tại, bên cạnh công việc phục chế sách, anh Quang phát triển lĩnh vực tu bổ tranh giấy, tranh lụa cổ và nhận đóng bìa sách thủ công. Từ khởi đầu chỉ có một mình, Quang đã có thêm cộng sự. Anh cũng nhận dạy nghề cho các bạn trẻ có cùng đam mê, mong muốn những cuốn sách có sức sống bền bỉ với thời gian.
Bình Minh
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm