TÌM VIỆC LÀM

Việc làm
quản lý
Việc làm
chuyên môn
Lao động
phổ thông
Việc làm
bán thời gian
  • Trang chủ
  • Cẩm Nang Việc Làm
  • Phỏng vấn việc làm
  • Tư vấn nghề nghiệp
  • Việc làm tổng hợp
  • Diễn đàn

Kỹ sư điện tử kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ… “khâu vá ký ức”

30th November 2023 by admin

Gen Z mê sách cũ

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghiệp điện tử, anh Trịnh Hán Quang (24 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) bất ngờ chuyển hướng đi làm phục chế sách cũ. Gia đình kịch liệt phản đối. Ba mẹ lo Quang khó có thể nuôi nổi bản thân khi theo nghề được cho là đang dần mai một. Dẫu vậy, chàng trai vẫn cố thực hiện đam mê với sách cũ. 

Kỹ sư điện tử kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ… khâu vá ký ức - 1

Trịnh Hán Quang là người trẻ hiếm hoi lựa chọn làm công việc phục chế sách cũ (Ảnh: Bình Minh)

Đầu năm 2022, Quang tận dụng căn phòng nhỏ ở nhà để làm xưởng, với một chiếc bàn, chiếc tủ nhỏ, chiếc máy ép sách bằng gỗ và bắt đầu khởi nghiệp. 

Quyển sách đầu tiên chàng trai được khách giao là cuốn Từ điển Pháp-Việt của tác giả Trương Vĩnh Ký, xuất bản năm 1884. Quyển sách bị hư hại nặng, mọt ăn sâu vào các trang sách, chỉ công đoạn gỡ bìa và các trang đã mất 2 ngày. Sau 15 ngày căng mắt vá những lỗ thủng, quyển sách đã lành lặn lại, khiến cả chủ nhân và thợ phục chế cùng hân hoan, vui sướng.

Kỹ sư điện tử kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ… khâu vá ký ức - 2

Đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như sự khéo léo (Ảnh: Bình Minh)

“Việc tự tay “hồi sinh” những quyển sách cũ khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Đó là cảm giác tôi chưa từng có khi làm những công việc khác”, anh Quang hào hứng nói.

Anh cho biết, để đưa một quyển sách đã cũ, hư hỏng nặng về tình trạng ban đầu có khoảng 10 bước. Đầu tiên phải xem xét chất lượng giấy, kiểm tra độ hư hại của sách, tháo rời từng trang. Kế đến là xử lý, dán, vá các phần bị hư hại rồi cuối cùng là ép sách.

“Khó nhất chính là công đoạn gỡ gáy sách. Người thợ phải tập trung, thao tác cẩn thận, tỉ mỉ để giữ gáy sách được nguyên vẹn. Công đoạn này thường sẽ chiếm hơn nửa ngày”, anh Quang chia sẻ.

Giờ đây khi đã lành nghề, anh Quang chỉ mất 1 ngày để sửa chữa 1 quyển sách, chỉ rơi vào những ca khó, thời gian mới cần dài hơn.

Giá cho mỗi quyển sách phục chế dao động từ 380.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào độ hư hại và yêu cầu của khách. Công việc này giúp Quang có thể kiếm được khoảng 15-20 triệu đồng/tháng.

Nghề giữ gìn kí ức cũ xưa

Hơn 1 năm theo đuổi công việc, chàng trai 24 tuổi đã phục hồi hơn 1.000 quyển sách. Anh có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người cùng chí hướng, nghe rất nhiều câu chuyện cảm động. Đối với anh, đó chính là động lực để kiên trì theo đuổi công việc tưởng như già nua, nhàm chán này.

Anh kể: “Một vị khách đã nhờ tôi sửa quyển Robinson Crusoe của tác giả Daniel Defoe. Quyển sách rất bình thường với mọi người, nhưng đối với ông ấy, đó là di vật thiêng liêng, vô giá mà người cha quá cố để lại, không gì có thể thay thế được.

Kỹ sư điện tử kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ… khâu vá ký ức - 3

Khâu ép sách cũng đòi hỏi sự chính xác bởi nếu không canh chuẩn, gáy sách sẽ bị lệch và phải làm lại từ đầu (Ảnh: Bình Minh)

Khi đó, tôi tự nhủ mình phải sửa cuốn sách này cho bằng được. Ngày giao sách, vị khách tóc muối tiêu cầm món kỷ vật nguyên hình, lành lặn mà vỡ òa cảm xúc. Giây phút đó, tôi cảm thấy công việc mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết”.

Từ đó, Quang nhận ra, thời đại số không có nghĩa những ngành nghề thủ công về sách sẽ bị mất đi. Thậm chí, nghề này sẽ có những cấp độ phát triển mới, nhiều hơn nữa trong tương lai.

Theo anh, hiện tại, nhiều người đang có nhu cầu cất giữ, sưu tầm những quyển sách cổ, những quyển gắn liền với câu chuyện hoặc cảm xúc đặc biệt. Họ muốn gìn giữ những kí ức đó lâu dài nhất có thể, bởi dù công nghệ hiện đại đến đâu cũng không thể giúp họ quay trở lại cảm giác cũ.

Kỹ sư điện tử kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ… khâu vá ký ức - 4

Đối với người thợ phục chế, mỗi quyển sách là 1 “sinh mệnh” phải nâng niu và nhẹ nhàng (Ảnh: Bình Minh)

“Tôi hạnh phúc vì có thể tự tay phục hồi những quyển sách nát, xấu xí trở lại như cũ, giúp khách hàng “khâu vá” lại những kí ức của họ”, anh hào hứng nói.

Hiện tại, bên cạnh công việc phục chế sách, anh Quang phát triển lĩnh vực tu bổ tranh giấy, tranh lụa cổ và nhận đóng bìa sách thủ công. Từ khởi đầu chỉ có một mình, Quang đã có thêm cộng sự. Anh cũng nhận dạy nghề cho các bạn trẻ có cùng đam mê, mong muốn những cuốn sách có sức sống bền bỉ với thời gian.

Bình Minh

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: ĐIỆN, đồng/tháng, KHẨU, kiêm, kỹ, nhớ, Triệu, TỬ, ức

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm

27th November 2023 by admin

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 1

Xã Đức Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) nổi danh với các món ăn được chế biến từ thịt chuột. Nếu trước đây, chuột được săn bắt để chống phá hoại mùa màng, làm các món ăn “chơi chơi” thì nay chuột đã trở thành hàng hóa, mang lại thu nhập khá cho người dân. 

Ông Hà Văn Công – Chủ tịch UBND xã Đức Thành – cho biết: “Nghề săn, bán chuột đồng mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Có những hộ kiếm 1-1,5 triệu đồng/đêm nhờ đi bắt chuột bán. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở thu mua chuột đồng, ngày cao điểm có thể nhập gần 1 tấn chuột sống”.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 2

Anh Cung Đức Mậu (xóm Thọ Bằng, xã Đức Thành) là một trong 2 cơ sở thu mua chuột tại đây. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của anh thu mua 5-6 tạ chuột sống, có ngày lên tới 1 tấn. 

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 3

“Vào thời điểm mưa rét như thế này, người dân đi bẫy được nhiều chuột hơn. Chuột cũng như các mặt hàng khác, cung nhiều thì giá sẽ giảm”, anh Mậu cho hay.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 4

Chuột được mang tới nhập chủ yếu là chuột đồng và chuột cống nhung, trong đó chuột đồng là chủ yếu. Chuột còn sống và khỏe mạnh là yêu cầu tiên quyết. 

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 5
Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 6

Bà Phan Thị Nhiên (xóm Thọ Bằng) chất 3 thùng chuột lên chiếc xe đạp, đưa tới nhập cho cơ sở anh Mậu. 18kg chuột là “chiến lợi phẩm” của chồng bà Nhiên sau một đêm đi đặt bẫy. 

“Có hôm ông ấy bẫy được vài yến chuột, có hôm cũng chỉ được vài ba cân thôi. Già rồi, vợ chồng túc tắc kiếm tiền chợ thôi. Làng tôi có những hộ đi bẫy chuột chuyên nghiệp, mỗi đêm bắt cả tạ đấy”, bà Nhiên nói. 

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 7

Ông Hoàng Trọng Dần (xã Minh Châu, Diễn Châu, Nghệ An) phấn khởi với thành quả một đêm đi bẫy chuột. 3 năm nay, người nông dân này có thêm nghề phụ là bẫy chuột bán. Gọi là nghề phụ nhưng thu nhập từ bắt chuột cao hơn từ trồng lúa và hoa màu. 

“Tôi có gần 100 cái bẫy. Ngoài mồi để dụ chuột vào bẫy thì quan trọng là phải đoán được luồng đi của chuột. Đặc tính của loài chuột đồng là cứ đầu hôm rời hang kiếm ăn, tầm 21-22h sẽ về, mình cứ đặt bẫy đón lõng, có hôm một lồng được 2 con, còn hầu như mỗi lồng chỉ bẫy được một con thôi”, ông Dần tiết lộ.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 8

Mùa săn chuột đồng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm, trong đó tháng 10 là cao điểm. Chuột được săn bằng bẫy, quá trình săn bắt không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của chuột bởi các cơ sở chỉ thu mua hàng tươi sống. 

Chuột sau khi được gom, sẽ vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Theo anh Cung Đình Mậu, tại các đại lý, chuột sẽ được làm thịt và phân phối cho các cửa hàng chuyên bán thịt chuột.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 9

Để đủ hàng nhập cho 2 cơ sở thu mua trong xã, tại xã Đức Thành đã hình thành các nhóm săn chuột đồng. Họ sắm dụng cụ, đánh bẫy ở cánh đồng các huyện lân cận, có khi sang tận Thanh Hóa hay Hà Tĩnh. Cũng bởi đi theo nhóm đông người, đặt nhiều bẫy nên mỗi đêm có nhóm bắt được 4-5 tạ chuột đồng.

“Nghề này thì không có bí quyết gì cao siêu đâu. Quan trọng nhất là chịu khó, kiên trì, đi đêm về hôm, vất vả lắm, nhất là những dịp mưa rét. Nhưng bù lại, đêm ra đồng là có tiền. Nhiều hộ dân ở làng Thọ Bằng, xã Đức Thành xây được nhà to, mua ô tô cũng nhờ săn chuột đồng”, ông Cung Đình Phong cho hay.

Ông Phong được đánh giá là tay săn chuột cự phách của làng Thọ Bằng. Có đêm, người đàn ông này bắt được gần 6 tạ chuột. 

Bắt bán loài nhiều người khiếp sợ, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm (Video: Hoàng Lam).

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 10

Chuột sau khi cân, được cho vào lồng sắt và tắm rửa sạch. Vào ngày nóng, trong quá trình vận chuyển bằng ô tô, chủ hàng phải chèn thêm đá cây giữa các lồng chuột để duy trì nhiệt độ mát, tránh chuột bị chết, hao hụt trong quá trình vận chuyển. 

Để đảm bảo việc thu mua, phân loại, vận chuyển chuột, cơ sở của anh Vương Đình Mậu thuê thêm 3 lao động.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 11
Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 12

“Chuột được bán theo trọng lượng và kích cỡ. Chuột nhỏ có giá khoảng 35.000 đồng/kg, loại lớn giá 50.000-55.000 đồng/kg, cao điểm 60.000 đồng/kg. Chúng tôi thu mua chuột của người dân trong xã và cả người dân ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, trung bình mỗi ngày 5-7 tạ chuột sống”, chị Loan – vợ anh Mậu – cho hay.

Gom bắt cả lồng chuột nhung nhúc, nông dân kiếm tiền triệu sau một đêm - 13

Ngoài các cơ sở thu mua chuột đồng lớn, tại Đức Thành, nhiều hộ dân làm thịt chuột bán lẻ, phục vụ nhu cầu của người dân trong xã.

Các hộ dân ở đây tự hào về công việc khiến nhiều người ám ảnh này, bởi ngoài việc mang lại nguồn thu nhập ổn định, họ góp phần giúp nông dân diệt trừ nạn chuột phá hoại mùa màng.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: Bất, cả, chuột, Dẫn, đêm, kiêm, lòng, một, nhúc, Những, nông, Tiền, Triệu

Dòng nhân công ngược ngàn lên cao nguyên hái cà phê kiếm Tết

25th November 2023 by admin

Những ngày cuối tháng 11, hàng nghìn lao động ở đồng bằng ngược ngàn lên Tây Nguyên để làm nghề hái cà phê thuê. Từng đoàn 5-10 xe máy biển số Quảng Ngãi chạy dọc theo tuyến Quốc lộ 24, chở vợ con cùng đồ đạc lỉnh kỉnh vào các vùng cà phê ở Đăk Hà, Kon Rẫy để làm nhân công thu hái cà phê.

Anh Phạm Văn Thơ (44 tuổi, người H’re, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) chở con trai lớn 11 tuổi vượt gần 150 km từ Quảng Ngãi lên huyện Đăk Hà, hái cà phê thuê cho một người dân trong thị trấn. Vợ anh Thơ cùng đứa con nhỏ đón xe khách lên sau.

Gia đình anh Thơ cùng 14 lao động khác đều ở trong một căn nhà rẫy của chủ vườn.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh.jpeg

Dòng người lao động từ Quảng Ngãi lên Kon Tum để hái cà phê thuê (Ảnh: Chí Anh).

“Nhà có 2 sào ruộng nên khi thu hoạch xong, 2 vợ chồng tranh thủ lên cao nguyên đi hái cà phê. Trước khi đi, gia đình đã liên hệ trước cho một số hộ để hỏi trước. Khi hái xong nhà này, tôi sang nhà khác làm cho đến khi hết mùa.”, anh Thơ cho hay.

Anh Thơ chia sẻ thêm, mùa này hàng năm, hai vợ chồng anh đều lên Tây Nguyên nhận hái cà phê. Do hai vợ chồng anh đều hái kỹ, không làm hư cành nên chủ vườn nào cũng quý và hẹn tiếp mùa thu hái nông sản năm sau. Vì không nhờ được ai trông đứa con nhỏ, anh quyết định đưa cả vợ con lên cao nguyên để cùng đi hái cà phê.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh2.jpeg

Mỗi mùa thu hái cà phê kéo dài hàng tháng, giúp lao động kiếm thêm thu nhập chuẩn bị đón Tết (Ảnh: Chí Anh).

Cũng như mọi công nhân khác, 4h sáng hàng ngày, gia đình anh Thơ đã thức giấc, chuẩn bị cơm sáng và trưa. Đến 6h sáng, mọi người bắt đầu ra vườn để hái cà phê. Ai cũng tranh thủ đi làm sớm và nghỉ muộn để đạt ngày công.

Năm nay cà phê tăng giá nên chủ vườn đã khoán cho vợ chồng anh chị mỗi tạ dao động 90.000-100.000 đồng tiền công. Mọi chi phí ăn ở, nhân công phải tự lo.

Tương tự, anh Đinh Văn Dăt (38 tuổi, Ba Tơ, Quảng Ngãi) cùng vợ tranh thủ nhận hái khoán cho khu vườn cà phê rộng 4ha ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Cùng đi với anh có 5 cặp vợ chồng khác cùng xã.

Anh Dăt kể, một tuần trước, ruộng nương hết việc, anh được người bạn trong làng rủ lên Tây Nguyên hái cà phê. Tối đến, anh cùng vợ gom quần áo, chăn màn vào ba lô, chạy xe trong đêm lên thẳng Đăk Hà. Hai đứa con nhỏ 6 tuổi và 4 tuổi, vợ chồng anh gửi nhờ bà ngoại chăm sóc.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh3.jpeg

Những nhân công phải sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn để tiết kiệm thêm chút tiền mang về nhà (Ảnh: Chí Anh).

“Hai vợ chồng hái cà phê từ 6h đến 18h hàng ngày, năng suất đạt từ 7 đến 8 tạ, thu nhập hơn 800.000 đồng/ngày. Trừ các chi phí, vợ chồng anh Dăt dành dụm khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mùa cà phê kéo dài khoảng 2 tháng, nếu vợ chồng kiếm được 30-40 triệu đồng để lo Tết”, anh Dăt bộc bạch.

Kon-Tum_nhan-cong-hai-ca-phe_Chí Anh3.jpeg

Nếu đi làm sớm, nghỉ trễ, mọi người bình quân thu về từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ngày (Ảnh: Chí Anh).

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, vào mùa thu hoạch cà phê, ngoài nhân công tại chỗ, có khoảng 4.000 lao động nhiều tỉnh lân cận, chủ yếu là tỉnh Quảng Ngãi, đến địa bàn để hái cà phê thuê. Chỉ tính riêng huyện Đăk Hà có hơn 2.400 người.

Được biết, năm 2022, Tây Nguyên có hơn 600.000ha cà phê, chiếm 89,90% diện tích cà phê cả nước, cung cấp 1,77 triệu tấn cà phê (đứng thứ 2 sau Brazil), tổng kim ngạch xuất khẩu mang về là 4 tỷ USD.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: CÔNG, động, hải, kiêm, LÊN, NGÂN, ngược, nguyên, nhân, phê, tết

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ

24th November 2023 by admin

Chế biến vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm tiền triệu mỗi vụ (Video: Thanh Tùng).

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 1

Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau, người dân xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa tất bật thu hoạch quả quýt hoi (hay còn gọi là quýt hôi). Người dân địa phương cho biết, đây là loại cây có từ lâu đời, mọc tự nhiên ngoài vườn đồi và trên các dãy núi cao.

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 2

Chị Lò Thị Hoài (bản Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) cho biết, quả quýt hoi có vị chua nên người dân trong vùng chủ yếu hái quả để chế biến làm trà uống nước. 

Những năm trở lại đây, quýt hoi được nhiều người yêu thích. Vì vậy, mỗi vụ quýt hoi, người dân địa phương thường lên đồi hái quả về làm trà, ngâm mật ong và rượu để bán cho khách du lịch. Công việc này đem lại thu nhập vài chục triệu đồng mỗi vụ. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 3

Theo chị Hoài, quy trình sản xuất trà quýt hoi mất nhiều công đoạn. Sau khi hái về, quýt cần được rửa sạch, để ráo.

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 4

Sau đó, người chế biến dùng dao nhọn để tách lấy phần vỏ của quả quýt hoi. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 5
Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 6

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 7

Cuối cùng là thái nhỏ phần vỏ quýt hoi, phơi qua nắng rồi cho lên chảo để rang vàng. “Đây là công đoạn rất quan trọng. Vỏ quýt sau khi rang khô sẽ có mùi thơm đặc trưng”, chị Hoài cho biết thêm. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 8

Ngoài sản phẩm trà quýt hoi, người dân địa phương còn chế biến vỏ quýt hoi thành thảo dược và thức uống mang hương vị vùng núi cao như: vỏ quýt ngâm mật ong rừng, rượu quýt hoi.

“Quýt hoi có công dụng trị ho rất tốt, khi ngâm với mật ong sẽ tạo thành bài thuốc giá trị cho trẻ em và người già. Rượu quýt hoi cũng có vị thơm đặc trưng. Nhiều năm qua, khách du lịch khi về khu du lịch Pù Luông rất thích thú với sản phẩm này”, chị Hoài nói. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 9

Một bình mật ong ngâm vỏ quýt hoi có giá bán 1-1,5 triệu đồng. Đây là sản phẩm đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 10

Sau khi tách lấy vỏ, những múi quýt hoi được sử dụng để rửa bát, đĩa. 

Chế vỏ trái cây thành đặc sản, kiếm vài chục triệu đồng mỗi vụ - 11

Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, cho biết, trước kia quýt hoi mọc nhiều ven rừng, đồi. Mỗi nhà dân trên địa bàn đều có cây quýt hoi. Tuy nhiên, có một thời gian cây quýt hoi bị phá bỏ, không còn nhiều.

Những năm qua, địa phương đang phục tráng, phát triển lại nghề trồng quýt hoi. “Ngoài những vườn quýt hoi của người dân, chúng tôi mới lập đề án, trồng hơn 7ha quýt hoi. Đây là sản phẩm đem lại thu nhập cao và hiệu quả cho người dân địa phương. Hiện giá quýt hoi được bán 15.000-20.000 đồng/kg tươi”, ông Công cho biết thêm.

Theo ông Công, đặc sản quýt hoi cũng gắn với việc phát triển du lịch ở địa phương. Vì vậy, thời gian qua, người dân đã sáng tạo, chế biến các sản phẩm trà, mật ong quýt hoi, đem lại thu nhập ổn định.  

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: cây, chế, chức, đặc, động, kiêm, mọi, sản, thành, trái, Triệu, vài, Vỡ, vụ

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây

22nd November 2023 by admin

LỜI TÒA SOẠN

“Sài Gòn không bao giờ ngủ và đêm Sài Gòn không bao giờ đủ” là câu nói đã thành quen thuộc mà người dân và du khách dùng để tả về TPHCM, thành phố lớn nhất, đầu tàu kinh tế cả nước. Thành phố muôn màu, rực rỡ về đêm, không lúc nào ngớt tiếng người, xe, cả cảnh vui chơi và mưu sinh.

Để phục vụ cuộc sống sau 0h ấy, bao người vẫn tươi cười, đón khách, gom nhặt từng đồng trên hè phố.

Dân trí thực hiện tuyến bài về cuộc sống của những người mưu sinh lúc nửa đêm, để thấy cuộc sống của thành phố không ngủ, nơi cơ hội mở ra với mọi người.

0h, Khang (12 tuổi, quê Tiền Giang) bước ra giữa đường, phồng má ngậm một ngụm dầu lớn rồi châm lửa vào chiếc đũa sắt quấn vải đã chuẩn bị trước. 

Nhóm du khách đứng quanh từ từ lùi ra xa. Vài giây sau, ở khoảng không gian vừa giãn ra đó bùng lên cột lửa thổi ra từ miệng cậu bé, rực sáng đến tận tầng 2 của một vũ trường. Đoạn phố rộ lên tiếng hò reo, trầm trồ như chiêm ngưỡng một buổi biểu diễn xiếc chuyên nghiệp.

Sau 2 phút diễn lửa mua vui, Khang cầm chiếc lon sắt đi vòng khắp con phố. Khách vui vẻ, thương tình sẽ bỏ vào đó những tờ tiền lẻ. Tất nhiên, không hiếm lượt diễn kết thúc với chiếc lon rỗng không. “Đây là công việc mưu sinh và phải chấp nhận điều ấy”, Khang cười vô tư.

Cứ thế, mỗi ngày, từ 0h, khi tiếng nhạc và mớ ánh sáng xanh đỏ rộn lên ở phố Tây Bùi Viện (quận 1, TPHCM), đó cũng là thời điểm những đứa trẻ như Khang bắt đầu hành trình mưu sinh.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 1

Phố Tây Bùi Viện là khu vực tập trung đông đúc khách du lịch vui chơi vào thời điểm khuya (Ảnh: Hải Long).

Ngậm xăng, phun lửa sau 0 giờ

Thổi lửa, hay biểu diễn phun lửa là một bộ môn nghệ thuật bắt nguồn từ nghề sản xuất rượu ở Ba Tư cổ đại. Ngày nay, nghề diễn này thịnh hành, trở thành nghề mưu sinh trên đường ở các thành phố lớn.

Tại TPHCM, ít năm trở lại đây, hình ảnh những đứa trẻ ngậm xăng, múa lửa đã trở nên quen thuộc với khách du lịch. Những đứa trẻ sau khi biểu diễn sẽ trực tiếp xin tiền hoặc bán một vài món hàng để mưu sinh. Ngoài ra, nhằm tạo sự hấp dẫn cho trò diễn, bọn trẻ còn làm thêm đôi ba màn ảo thuật như nuốt rắn, nhai dao lam, bóng đèn…

Vừa cúi gập người cảm ơn, Khang vừa lấy tay quẹt vết dầu còn dính trên miệng. Thấy nhóm khách ngạc nhiên nhìn chiếc cằm lấm lem của mình, cậu bé mỉm cười cho biết là đôi lần bất cẩn bị phỏng khi phun lửa nhưng không thoa thuốc.  

“Con mới thổi lửa được vài ngày thôi. Mấy tháng trước con đi bán vé số, kẹo ngậm nhưng ít người mua. Thấy các bạn thổi lửa có tiền hơn, con xin theo học vài buổi là làm được”, Khang nói.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 2

Nhiều đứa trẻ ra Bùi Viện để mưu sinh, kiếm tiền nhờ nghề phun lửa, mua vui (Ảnh: Hải Long).

Tương tự, hai tháng trước, sau khi xem xong vài clip trên mạng xã hội, Tài (16 tuổi, ngụ tại quận 2, TPHCM) cũng tập tành học thổi lửa. Qua những lần thất bại, cậu bé đã thành thục chiêu thức giúp bản thân không bị phỏng. Mỗi đêm, Tài cùng Khang hành nghề mưu sinh và cùng trở về sau mỗi đêm diễn.

Sau nửa đêm, khi khách du lịch đổ tới đông kín phố Bùi Viện đông đúc là lúc thích hợp cho những đứa trẻ đường phố bắt đầu một ngày mưu sinh, kiếm tiền. Mỗi đêm như thế, một đứa trẻ sẽ có thể thổi lửa 10-15 lượt, kiếm 200.000-400.000 đồng.

Nhưng thị trường nào cũng có cạnh tranh, những đứa trẻ đường phố thường xuyên đối mặt tình trạng cự cãi, tranh giành địa bàn nên phải lập nhóm, nương tựa vào nhau.

“So với công việc cũ (bán vé số, nhặt ve chai), bây giờ tụi con kiếm được nhiều tiền hơn, thỉnh thoảng gặp khách sộp cho hẳn 100.000 đồng nên vất vả tí cũng được”, Khang kể.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 3
Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 4

Những đứa trẻ lớn lên từ đường phố

Vừa lọt lòng, Khang đã mất mẹ. Bà ra đi sau cuộc vượt cạn cửa tử. Lên 4 tuổi, cha cậu quyết định sang Campuchia làm ăn rồi đi luôn từ đó, không trở về. 

Học hết lớp 3, Khang xin bà Nội đi bán vé số ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Vài tháng sau, không đủ chi phí sinh hoạt, cậu bé lại bắt xe đò lên TPHCM kiếm việc. 

“Khoảng thời gian mới lên thành phố, con xin vào phụ các quán nhậu để kiếm tiền. Đến tối thì ngủ ở tiệm game hoặc công viên nếu không có tiền”, Khang chia sẻ.

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 5

Khách du lịch không khỏi thích thú trước những màn biểu diễn phun lửa của những đứa trẻ (Ảnh: Hải Long).

May mắn, sau khi học được nghề thổi lửa, Khang và Tài đã đồng hành cùng nhau. 20h, hai đứa trẻ sẽ mang đồ nghề ra đường Vĩnh Khánh (quận 4, TPHCM) thổi lửa, sau đó tiếp tục di chuyển về phố tây Bùi Viện, làm đến 2h sáng. 

“Khách vãn hết thì tụi con sẽ đạp xe về quận 2 để ngủ hoặc ra quán game”, Tài nói.

Cậu bé cũng mất bố năm 4 tuổi. Vài năm sau, Tài theo mẹ vào TPHCM bán nước cam. Ban đêm, cậu một mình đi khắp các con phố trung tâm thành phố để mưu sinh.

“Mỗi ngày như thế con kiếm được vài trăm ngàn. Có tiền, ngoài chơi game, chủ yếu là con bỏ thẻ tiết kiệm cho mẹ”, Tài cười, khoe về số tiền 300.000 đồng vừa gửi ngày hôm qua.

Tương tự, gia đình của My (10 tuổi) có 6 anh chị em thì cả 6 đều bám trụ những con phố nhộn nhịp của Sài Gòn đêm không ngủ để kiếm tiền. Buổi tối sau khi nhận hoa và kẹo cao su từ mẹ, My sẽ cùng anh trai ra Bùi Viện buôn bán đến tận khi đường vắng khách.

Ước mơ nhỏ của trẻ đường phố

Sống lay lắt trên đường phố, mưu sinh vào những khung giờ khuya, tụi trẻ thổi lửa gặp không ít khó khăn. Trong đó, việc ngủ lề đường khiến Khang liên tục bị trấn lột sạch tiền kiếm được. Việc lập nhóm sẽ đỡ hơn những chuyện như thế.

“Nhóm này không được vào làm ở địa bàn của nhóm khác. Không muốn bị chửi bới, đuổi đánh, chúng con sẽ đi cạnh nhau. Ngoài ra, rút kinh nghiệm để không bị vét sạch túi, con cũng sẽ chủ động làm bạn với những đứa trẻ cùng hoàn cảnh như mình”, Khang nói.

Đôi khi trong một đêm, nếu trong nhóm có đứa không kiếm ra tiền, tụi trẻ con vẫn chia hộp cơm chung. Niềm vui nhất với chúng là tất cả bạn bè đều là quen biết trên đường phố nhưng luôn sẵn sàng giúp nhau. 

Những đứa trẻ ngậm dầu phun lửa, kiếm tiền sau 0 giờ ở phố Tây - 6

Cơ quan chức năng quận 1, TPHCM đã nhiều lần nhắc nhở, giải thích cho trẻ về tính nguy hiểm của hành vi thổi lửa (Ảnh: Hải Long).

0h15, một vị khách sẵn sàng bỏ vào chiếc lon sắt của Khang tờ 100.000 đồng khiến cậu bé mừng quýnh. Từ ngày lên TPHCM, Khang chưa có cơ hội gọi về cho gia đình nên mỗi ngày cậu bé luôn cố gom góp tiền với hy vọng sớm mua được một chiếc điện thoại di động.

“Con cũng nhớ ba lắm chứ! Phải chi có ba ở đây, được ở chung thì con đã không phải làm cái nghề cực thế này rồi”, cậu bé cười trừ khi được hỏi về gia đình, về quê nhà.

“Con cũng muốn đi học lại”, Khang nói thêm.

Cậu bé không hiểu rõ lý do mong muốn được đi học, chỉ tự phỏng đoán: “Chắc đi học rồi con sẽ tìm được công việc khác đỡ cực hơn”. Giọng cậu nhỏ thỏ thẻ, gần như lọt thỏm giữa tiếng nhạc sàn của một Bùi Viện không bao giờ ngủ.

Theo lãnh đạo phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), cơ quan chức năng đã ghi nhận không ít trường hợp trẻ làm nghề thổi lửa trong khu vực phố tây Bùi Viện.

Gần đây, phường đã mời một nhóm trẻ hành nghề thổi lửa về trụ sở làm việc. Cơ quan chức năng xác nhận, những trẻ em mưu sinh trên phố có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có em chỉ sống cùng bố hoặc mẹ hay sống cùng ông bà, cũng có em bị bỏ rơi.

“Các em không sinh sống trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão. Chúng tôi đã hỗ trợ đưa các em đến trung tâm bảo trợ, nhưng sau đó người nhà đến bảo lãnh các em về, rồi tiếp tục cho các em đi thổi lửa. Không lâu sau, chúng tôi lại phát hiện và mọi thứ diễn ra như một vòng lặp đi lặp lại”, vị lãnh đạo cho hay.

Được biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, giải thích cho trẻ về tính nguy hiểm của hoạt động ngậm dầu thổi lửa. Địa phương cũng tổ chức tuyên truyền, vận động du khách không cho tiền, không khuyến khích các em tiếp tục làm công việc nguy hiểm này.

Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm

Filed Under: Tin tức Tagged With: DẦU, đưa, Giờ, kiêm, lừa, ngậm, Những, Phó, phun, Tây, Tiền, trẻ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • Next Page »

Recent Posts

  • Chính sách mới về đào tạo lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc
  • Hàng xiên nướng doanh thu hơn 16 triệu đồng/ngày: Bí quyết đông nghịt khách
  • Những ngành nghề cắt giảm 75% lao động, lương sụt đến 20%
  • Nghề thử thức ăn cho chó, lương 1,5 tỷ đồng: Không phải ai cũng dám làm!
  • Đồng Nai: Công bố tên 525 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm

Việc làm tốt nhất từ những nhà tuyển dụng hàng đầu

☀ 100% thông tin việc làm được xác thực và kiểm duyệt chặt chẽ

☀ Kết nối nhanh với nhà tuyển dụng, tìm kiếm việc làm dễ dàng

☀ Công cụ hỗ trợ đầy đủ với nhiều mẫu CV đẹp mắt, thông báo việc làm tiện lợi

☀ Tổng đài tư vấn dành riêng cho Người tìm việc

Tuyển dụng hiệu quả và nhanh chóng

☀ Hàng triệu ứng viên chất lượng

☀ Thông tin hồ sơ ứng viên được kiểm duyệt chặt chẽ, phân loại xác thực theo số điện thoại

☀ Cam kết với chế độ bảo hành chất lượng tuyển dụng

☀ Chăm sóc và tư vấn 1 - 1 với chuyên viên tư vấn

  • NHÀ TUYỂN DỤNG
    • Cẩm nang tuyển dụng
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • NGƯỜI TÌM VIỆC (ỨNG VIÊN)
    • Cẩm nang tìm việc
    • Quản lý tài khoản
    • Đăng ký / Đăng nhập
  • THÔNG TIN CHUNG
    • Tin tức, sự kiện
    • Trợ giúp. hỏi đáp
    • Chính sách, quy định

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Điền Email mai của bạn để nhận thông báo Việc Làm mới nhất từ Website của chúng tôi

© Copyright 2023 · All Rights Reserved · Website Design By: WWW.TCTSHOP.VN