Đây là hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ trong Công văn 7415/BNV-CCVC vừa ban hành về việc thực hiện các quy định về thăng hạng viên chức.
Theo Bộ Nội vụ, thời gian qua cơ quan này đã nhận được đề nghị của một số bộ, ngành, địa phương về việc thống nhất nội dung đề án tổ chức thi thăng hạng và chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Tuy nhiên, do một số đề án chưa đầy đủ hồ sơ nên Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi lại các địa phương để hoàn thiện; một số đề án mới gửi đến Bộ Nội vụ nên chưa có văn bản thống nhất.
Mới đây, ngày 7.12, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức. Theo Bộ Nội vụ, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (giữ quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp).
Bên cạnh đó, tại khoản 2 điều 2, Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định: trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày nghị định này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo đề án đã được phê duyệt trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này, nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại nghị định này.
Xác định viên chức trúng tuyển xét thăng hạng theo thứ tự ưu tiên
Để thực hiện đúng quy định của nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương thống nhất triển khai như sau:
Đối với các đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại nghị định này.
Đối với các đề án chưa có ý kiến của Bộ Nội vụ thì thực hiện xét thăng hạng, cụ thể, viên chức được đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề, khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự xét thăng hạng; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật; không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng và của pháp luật.
Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.
Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự xét thăng hạng.
Trường hợp cơ quan, đơn vị có số lượng viên chức dự xét thăng hạng nhiều hơn số chỉ tiêu thăng hạng đã được phê duyệt thì việc xác định viên chức trúng tuyển xét thăng hạng thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau:
Viên chức có thành tích cao hơn trong hoạt động nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền công nhận. Viên chức là nữ. Viên chức là người dân tộc thiểu số. Viên chức nhiều tuổi hơn (tính theo ngày, tháng, năm sinh). Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn.
Khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng
Đối với viên chức hạng V và viên chức hạng IV thì thực hiện xét thăng lên hạng chức danh nghề nghiệp liền kề (hạng IV và hạng III) nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định mà không phải chờ thông tư quy định chi tiết tiêu chuẩn, điều kiện của bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (áp dụng đối với cả trường hợp đã có trong danh sách kèm theo đề án đã được Bộ Nội vụ thống nhất, không tổ chức thi thăng hạng đối với trường hợp này).
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 7.12.2023, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng theo quy định tại khoản 16 điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP, hoàn thành trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức xét thăng hạng viên chức.
Căn cứ quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, các bộ, ngành, địa phương tổ chức xét thăng hạng theo thẩm quyền mà không phải gửi đề án đến Bộ Nội vụ để thống nhất trước khi thực hiện; đồng thời rà soát các quy định về thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức (bổ nhiệm, xếp lương, nâng bậc lương, phụ cấp thâm niên vượt khung…) để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với quy định tại nghị định.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h