Ngày 20.9, báo cáo của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình thực hiện luật Việc làm trên địa bàn TP.HCM từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.6.2024 đã cung cấp một số liệu tổng quan về tình hình người nhận trợ cấp thất nghiệp và học nghề.
Theo đó, số người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng dần qua các năm. Đến tháng 6.2024, có hơn 2,4 triệu người lao động tham gia, chiếm một nửa lực lượng lao động trong độ tuổi tại TP.HCM.
Số người nhận trợ cấp thất nghiệp cũng dao động qua các năm. Cụ thể, năm 2020 có 188.130 người nhận bảo hiểm thất nghiệp (đây là thời điểm công việc của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19), giảm còn 113.709 người vào năm 2021. Sau đó, tăng lên 145.190 người vào năm 2022 và 162.582 người vào năm 2023. Đến tháng 6.2024, số người nhận trợ cấp thất nghiệp là 65.775. Xem bảng dưới đây từ thống kê của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM.
Tuy nhiên, số người lao động thất nghiệp đăng ký hưởng chính sách hỗ trợ học nghề rất ít, có năm chưa đến 1% so với tổng số (bảng). Đơn cử, năm 2020, chỉ có 5.951 người nhận quyết định hỗ trợ học nghề (chiếm hơn 3% tổng số người thất nghiệp). Năm 2021, có 293 người học nghề lại (chiếm 0,2%). Năm 2022, con số này là 1.094 người (chiếm 0,7%) và năm 2023 là 1.099 người (chiếm 0,6%). Nói cách khác, người lao động thất nghiệp không mặn mà với chính sách đào tạo nghề của nhà nước nói chung.
Chính sách chưa khả thi
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, lý do cho thực trạng này là ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người thất nghiệp. Trong khi đó, việc quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề rất nhiêu khê, dẫn đến các trường nghề chưa hưởng ứng với hoạt động này.
Đặc biệt, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hiện chưa khả thi. Chế độ hỗ trợ học nghề chỉ đang dừng lại ở việc giải quyết nhu cầu học nghề cho người lao động thất nghiệp mà chưa thực sự có giải pháp hỗ trợ họ phát triển trình độ và kỹ năng nghề.
Hiện tại, chính sách chỉ hỗ trợ học phí chứ chưa có chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại… nên chưa thu hút sự quan tâm của người lao động. Người lao động phải tự trang trải nhiều chi phí khác trong thời gian học nghề. Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề hiện còn thấp (tối đa 1,5 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng). Với mức hỗ trợ này, người lao động khó có thể học các ngành nghề có trình độ trung cấp trở lên hoặc nghề chất lượng cao. Thay vào đó, họ chỉ có thể tham gia các ngành nghề phổ biến như nấu ăn, trang điểm, làm đẹp, tin học, lái xe…
Tính giải pháp thay đổi
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, ngoài việc tăng mức hỗ trợ học nghề, cần bổ sung quy định hỗ trợ các chi phí khác (đi lại, sinh hoạt…) và kéo dài thời gian học. Sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp cũng rất cần thiết.
Chính sách cần nghiên cứu theo hướng nếu doanh nghiệp có nhu cầu về lao động trong một ngành nghề hoặc lĩnh vực cụ thể, họ sẽ trực tiếp mở các lớp đào tạo cho người lao động. Kinh phí đào tạo sẽ do cơ quan BHXH trích từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả cho doanh nghiệp. Sau khi hoàn tất khóa học, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng những lao động đã được đào tạo vào làm việc đúng với ngành nghề mà họ đã học. Điều này không chỉ đảm bảo người lao động có việc làm sau đào tạo mà còn thúc đẩy nhận thức của họ về tầm quan trọng của việc học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp.
Lao động – Tin Tức Việc làm