Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) vừa có báo cáo thị trường lao động năm 2023 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2024 tại thành phố.
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, năm 2023, thị trường lao động TPHCM tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực từ tình hình suy thoái kinh tế, chính trị thế giới.
Chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động… Nhờ đó, nhu cầu tuyển dụng ngày càng sôi động hơn khi doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng vào cuối năm.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu nhận định: “Đi kèm với những thách thức thì thị trường lao động trong những tháng cuối năm hé lộ nhiều tín hiệu lạc quan, bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành nghề có chỉ số tăng”.
Căn cứ vào tình hình lao động cuối năm và trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế của TPHCM, Falmi dự báo thành phố cần thêm 300.000 – 320.000 chỗ làm việc mới.
Nhu cầu phân bố theo thời gian như sau: Quý 1 cần khoảng 77.500-86.000 chỗ làm việc; quý II cần khoảng 75.470-77.168 chỗ làm việc; quý III cần khoảng 68.910-73.504 chỗ làm việc; quý IV cần khoảng 78.120-83.328 chỗ làm việc.
Nhu cầu nhân lực mới phân bố theo khu vực kinh tế như sau: khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 71,31%; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,58% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,11%.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo của thành phố chiếm đến 87%; trong đó, trình độ sơ cấp là 19,57%, trung cấp chiếm 23,94%, cao đẳng khoảng 21,28% và trình độ đại học trở lên chiếm 22,21%. Nhu cầu lao động phổ thông chỉ chiếm 13%.
Theo tính toán của Falmi, lực lượng lao động năm 2024 của thành phố ước tính là hơn 5,1 triệu người. Với mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 là 8-8,5%, Falmi dự báo sẽ có khoảng 4,83 triệu lao động có việc làm.
Nhu cầu lao động vẫn tập trung đông nhất ở khu vực thương mại – dịch vụ (67,61%); sau đó là khu vực công nghiệp – xây dựng (30,89%); khu vực nông lâm thủy sản chiếm rất ít nhu cầu nhân lực (1,5%).
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm