Từ giữa tháng Chạp, ngày nào chị Nhi (chủ một tiệm nail – làm móng – ở quận 4, TPHCM) cũng đổ mồ hôi hột, xoay vần phục vụ trên 20 khách đến làm đẹp mỗi ngày.
Bên cạnh các dịch vụ cắt da, sơn móng tay đơn giản, chị Nhi sẽ nhận thêm các yêu cầu làm nail cao cấp như đắp bột, đính đá, dán hình… Mỗi khách sẽ trả chi phí từ 220.000 đồng đến 350.000 đồng để có bộ móng tay ưng ý.
“Trừ hết chi phí như mặt bằng, điện nước, nguyên vật liệu… thì mỗi thợ sẽ có thu nhập 2 triệu đồng/ngày, cả tiệm được hơn 6 triệu đồng. Đây là dịp chúng tôi kiếm được nhiều nhất trong năm. Đặc biệt, gần Tết, nhân viên đồng hành với tiệm sẽ được tăng tiền công gấp 2, thưởng “nóng” nếu làm khuya”, chị Nhi nói.
Rút kinh nghiệm các năm trước, khi khách phải ngồi đợi 2 tiếng đồng hồ để được phục vụ, năm nay chị Nhi nhận đặt lịch trước qua điện thoại và mạng xã hội từ tháng trước. Đến giữa tháng 12 Âm lịch, toàn bộ nhân viên của tiệm đã làm việc liên tục từ 7h đến quá nửa đêm.
“Nhiều lúc chúng tôi không có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ, chỉ có thể uống sữa cầm chừng rồi quay trở lại công việc ngay vì không thể để khách xếp hàng đợi”, chị Nhi chia sẻ.
Theo đó, Tết Nguyên đán luôn được xem là mùa “hái tiền” của các ngành dịch vụ làm đẹp. Bình thường, chị Nhi chỉ đón 5-6 khách/ngày thì trong tháng Tết, con số này tăng gấp 4 lần, mang lại nguồn thu hàng chục đồng cho tiệm.
Tương tự, từ cuối tháng 1/2024, tiệm nail của chị Lê Vy (34 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) đã rục rịch khách. Toàn bộ khách nhận lúc này đều là mối quen, đã đặt lịch trước. Với khách vãng lai, lựa tính không thu xếp được thời gian, chị Vy đều phải từ chối.
Với lượng khách đông liên tục suốt 15 ngày trước Tết, tiệm nail mang lại thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/ngày cho mỗi thợ làm móng.
Bên cạnh dịch vụ nail, các cửa hàng tóc cũng bận rộn hơn hết mỗi dịp Tết. Chị Đông (30 tuổi, chủ salon tóc tại huyện Hóc Môn, TPHCM) chia sẻ, ai cũng muốn tân trang, muốn có diện mạo mới xinh đẹp để ăn Tết nên lượng khách những ngày cuối năm, áp Tết luôn “xôm” nhất. Thu nhập salon tóc đến từ dịch vụ uốn, duỗi, nhuộm với giá tại địa bàn từ 500 nghìn đến 1,3 triệu đồng/lần.
“Mỗi ngày tôi phải chia nhân viên thành 3 ca làm việc, mỗi ca thợ đón 5 khách. Riêng cuối tuần tiệm luôn quá tải nên không nhận thêm khách phát sinh, chỉ có thể hẹn lại lịch khác, muộn hơn. Các nhân viên của tiệm trong thời điểm này ngoài tiền tăng ca còn hưởng các chế độ riêng bồi dưỡng riêng, người chịu khó sẽ có cái Tết dư dả”, chị Đông nói thêm.
Dù lượng khách cuối năm luôn cao nhưng nhiều tiệm làm đẹp chia sẻ, với tình hình kinh tế khó khăn như 2023, số lượng khách không còn như xưa. Đồng thời, việc phát triển các dịch vụ làm đẹp nhờ công nghệ, cạnh tranh giá cả cũng khiến nhiều tiệm nail phải tìm đủ cách để giữ chân khách hàng vào dịp này.
“Đến hiện tại đã giữa tháng Chạp nhưng khách chỉ mới bằng ½ năm ngoái. Ngoài dịch vụ tại chỗ, tiệm tôi còn làm thêm hộp “nail box” để khách có thể tự làm đẹp tại nhà. Sự thích nghi này giúp chúng tôi vẫn có được thu nhập tốt, tránh tình trạng ùn ứ khách ngày cận Tết “, chị Nhi thông tin thêm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm