Lao động U40 – U50 đã “về hưu”
Buồn bã cầm bộ hồ sơ xin việc trở về phòng trọ ở phường An Phú Đông (quận 12, TPHCM), bà Trần Thị Tuyết (48 tuổi) tâm sự: “Nộp hồ sơ nhiều công ty nhưng đều bị từ chối với lý do không tuyển người lớn tuổi”.
Bà Tuyết từ Quảng Bình vào TPHCM làm việc ở công ty may mặc áo quần đã 10 năm. Năm 2023, công ty khó khăn nên phải đóng cửa, bà và đồng nghiệp đều thất nghiệp.
“Từ khi thất nghiệp tôi ở phòng trọ nhận sửa quần áo nhưng không có khách vì ít ai biết. Không chỉ tôi mà những đồng nghiệp lớn tuổi cũng rất khó tìm việc”, bà Tuyết thở dài, nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Chót (53 tuổi) rời quê Đồng Tháp lên TPHCM làm việc tại công ty may mặc áo quần thể thao ở quận 12 đã 20 năm, với đồng lương ít ỏi 5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, cuối năm 2023 công ty ít đơn hàng nên đã cắt giảm lao động. Bà Chót nằm trong nhóm lao động bị sa thải, mất nguồn thu nhập nên đời sống khá khó khăn.
Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, sau Tết bà Chót đã đến nhiều nơi xin việc làm nhưng không có công ty nào nhận với lý do ngoài độ tuổi tuyển dụng.
“Không xin được việc làm, tôi đành ở nhà trông nom cháu. Thấy tôi cứ quanh quẩn ở nhà, những người xung quanh thường hay hỏi tôi năm nay bao nhiêu tuổi mà về nghỉ hưu rồi”, bà Chót đượm buồn chia sẻ.
Trong căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 15m2 ở quận 12, ông Hồ Minh Bảo (50 tuổi, quê Tây Ninh), trải lòng: “Hơn một năm qua, kể từ khi thất nghiệp tôi ở nhà, ai thuê gì thì làm đó nhưng công việc tự do giờ cũng ít, cũng khó tìm”.
Ông Bảo trước đây làm nhân viên cho hội chợ, thu nhập cũng hơn 10 triệu đồng/tháng. Do bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, hội chợ vắng người nên ông cũng bị sa thải cuối năm 2022.
Để có thu nhập trang trải cuộc sống và lo cho con trai đang ăn học, sau Tết ông Bảo ôm hồ sơ rải khắp nơi. Những ngày này ông liên tục mang điện thoại bên mình với hy vọng có công ty gọi đến phỏng vấn, nhận vào làm.
Cũng giống như ông Bảo, rất nhiều lao động lớn tuổi đều đang mong ngóng xin được việc mỗi ngày để an cư ở thành phố đắt đỏ, tuy vậy, cơ hội việc làm cho họ rất ít.
Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi?
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau Tết có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động ở các lĩnh vực: Da giày – may mặc, kinh doanh – quản lý, công nghệ thông tin, kỹ thuật – cơ khí,…
Đa số các doanh nghiệp chỉ tuyển lao động từ 18-35 tuổi, có tay nghề. Hiếm doanh nghiệp sản xuất nào tuyển dụng công nhân trên 40 tuổi, nhất là ở các lĩnh vực cần tốc độ cao và tốn nhiều sức như may mặc, cơ khí, chế biến gỗ… Vì vậy, những người lớn tuổi rất khó xin việc.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho biết, trong hơn 166.000 người muốn nhận trợ cấp thất nghiệp năm 2023 ở thành phố, có gần 48.000 người trên 40 tuổi, chiếm gần 30%, họ bị mất việc do các doanh nghiệp cắt giảm lao động hoặc một số khác muốn chuyển đổi công việc.
Ông Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế, cho biết việc tuyển dụng lao động sau Tết phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay đa số doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ từ 18-35 tuổi có sức khỏe, có tay nghề… Nhóm lao động ngoài 40 tuổi thường thì các doanh nghiệp cho rằng có nhiều hạn chế vì tuổi tác, ít cập nhật công nghệ, khó nâng cao kỹ năng nghề.
Theo ông Sơn, hiện nay cũng có doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn để cắt giảm lao động lớn tuổi, vốn có lương cao để tuyển lao động trẻ tuổi với mức lương thấp và năng suất làm việc cao hơn. Vì thế, lao động lớn tuổi ít có cơ hội tìm được việc làm mới.
“Người lao động lớn tuổi cần phải có ý thức nâng cao, trau dồi các kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc, không thể chỉ làm một việc đơn giản trong vòng nhiều năm.
Bên cạnh đó Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của lao động lớn tuổi. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng và hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động lớn tuổi “, ông Sơn nhấn mạnh.
Đào tạo nghề miễn phí cho lao động mất việc
Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho biết, người lao động mất việc ngoài được nhận trợ cấp hằng tháng còn được đào tạo chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm miễn phí.
Cụ thể, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Phần chênh lệch học phí do doanh nghiệp cử người đi học và người học thỏa thuận đóng góp.
Với người thuộc đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo… được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, lao động nông thôn.
Đồng thời có hỗ trợ tiền ăn hằng ngày và hỗ trợ một lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15 km trở lên.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm