Anh L.V.Q. (35 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, sau 5 năm chạy xe ôm công nghệ, liên tục dầm mưa dãi nắng nên sức khỏe lao dốc không phanh.
“Mỗi tối tôi đều thấy mệt rã rời, thường xuyên đau nhức vùng cổ, lưng, dẫn đến mất ngủ. Đến bệnh viện khám, tôi nhận kết quả bị đau thần kinh tọa, rối loạn giấc ngủ”, anh Q. cho hay.
Anh Q. kể, từ ngày nghỉ công ty ra đường chạy xe ôm công nghệ, mỗi ngày anh đều ra khỏi nhà từ 7h, đến 21h mới “tan ca”. Chạy hàng chục cuốc xe nhưng trừ tiền xăng, khấu hao, mỗi ngày thu nhập của nam tài xế chỉ khoảng 300.000 đồng.
“Từ ngày bị bệnh, tôi yếu hẳn. Cùng với đó, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn vì tài xế mới xuất hiện ngày càng đông, lượng khách bị chia sẻ, thu nhập theo đó mà giảm sút. Thậm chí xe máy hư tôi không có tiền sửa, đành bán, hạ cấp mua chiếc xe wave cũ chạy tạm bợ qua ngày”, anh Q. than thở.
Đến giờ, anh Q. thực sự tiếc nuối khi đã bồng bột từ bỏ công việc ổn định, có đầy đủ chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đi chạy xe thế này. Hiện anh cố tìm công việc mới ở công ty, có thu nhập ổn định, đủ để trang trải cuộc sống nơi thành phố.
Tương tự anh Q., ông Lý (50 tuổi, quê Quảng Nam), nghe thông tin nghề xe ôm công nghệ thu nhập hơn 500.000 đồng/ngày đã từ bỏ việc bảo vệ lương 10 triệu đồng mỗi tháng để ra đường chạy xe.
“Sau một năm chạy xe, cơ thể tôi thường xuyên nhức mỏi, ê ẩm kéo dài, mắt hay bị đau, đỏ ké. Đến bệnh viện khám, bác sĩ nói tôi bị đau lưng, đau thần kinh tọa, bệnh về mắt và viêm mũi dị ứng do thường xuyên ngồi trên xe, di chuyển đường dài, hít thở khói bụi mỗi ngày”, ông Lý cho hay.
Ông Lý tâm sự, trước đây còn khỏe, mỗi ngày ông dắt xe ra khỏi phòng trọ từ 6h đến 22h mới về, nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 250.000 đồng, có những ngày chỉ hơn 100.000 đồng.
Từ ngày đổ bệnh, không còn sức để chạy nhiều, thu nhập bình quân của ông Lý còn 100.000-150.000 đồng/ngày. Số tiền này chỉ đủ nuôi bản thân, không đủ khả năng lo cho gia đình.
“Giờ tuổi đã lớn, sức khỏe yếu nên cơ hội có việc làm ở thành phố rất hạn chế. Tôi gắng gượng chạy mấy tháng nữa, tằn tiện gom chút tiền về quê rồi tính tiếp”, ông Lý dự định.
Theo bác sĩ Trương Minh Mẫn – Bệnh viện 1A (chuyên về chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng ở TPHCM, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH), công việc của tài xế xe ôm công nghệ đòi hỏi thường xuyên ngồi trên yên xe, di chuyển quãng đường dài, không thay đổi tư thế, tiếp xúc nhiều với khói bụi, mưa nắng…
Với đặc thù công việc như vậy, họ thường bị các bệnh: đau lưng, đau thần kinh tọa, đau xương khớp, đau cổ vai gáy, đau dạ dày, táo bón, trĩ, rối loạn giấc ngủ, bệnh về mắt, viêm họng, viêm mũi dị ứng, bệnh lý về da…
“Những người hành nghề xe ôm công nghệ cần cân đối thời gian làm việc, bảo đảm giấc ngủ, hạn chế dùng chất kích thích. Ngoài ra, tài xế xe ôm cần thường xuyên thể dục, ăn uống hợp lý, khám chữa bệnh kịp thời để sớm phát hiện và tránh các biến chứng nặng nề của bệnh”, bác sĩ Mẫn khuyến cáo.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm