Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết, nông dân trên địa bàn đang bước vào vụ thu hoạch dứa.
“Thời điểm hiện tại, giá dứa tại chân ruộng ở mức 7.500 đồng/kg, cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với năm ngoái. Đặc biệt đối với giống dứa MD2 (còn gọi là dứa mật), đạt mức giá 15.000-16.000 đồng/kg. Đây là giống mới, mỗi quả đạt trọng lượng trên dưới 1,5kg, được trồng trên diện tích khoảng 100ha.
Dứa được giá, được mùa khiến bà con nông dân hết sức phấn khởi. Nếu giá dứa này duy trì, ước tính trung bình các hộ trồng có thu nhập 400-600 triệu đồng/vụ, đặc biệt có hộ thu xấp xỉ 1 tỷ đồng cho vụ này”, ông Khánh cho hay.
Ông Phạm Văn Ninh (xóm 2, xã Tân Thắng) trồng 2,6ha dứa. Ông Ninh phân chia thành nhiều khu, để trồng dứa ở các độ tuổi khác nhau. Có khoảnh mới xuống giống, có khoảnh trồng được hơn nửa năm, riêng vụ dứa này ông có trên 1ha cho thu hoạch quả.
Nhờ chăm sóc tốt, dứa được mùa, mỗi quả đạt trọng lượng 1-1,2kg. Để kịp cho thương lái chất đủ xe, ông Ninh phải huy động nhân lực thu hoạch dứa.
“So với các năm trước, giá dứa năm nay cao hơn, người trồng có lãi hơn, mà bán cũng dễ hơn. Có năm giá dứa chạm đáy, thu hoạch xong cũng khó tiêu thụ. Nay thu hoạch đến đâu, tiêu thụ đến đó, có thương lái phải đặt cọc từ trước”, ông Ninh cho hay.
Toàn xã Tân Thắng có 1.280ha dứa trong năm 2023, 670ha cho thu hoạch. Hiện trên địa bàn có phương pháp canh tác, hướng tới 2 thị trường tiêu thụ khác nhau.
Đối với dứa sàn, được cung ứng ra thị trường tự do hoặc nhập cho các nhà máy chế biến, giá đang ở mức 7.500 đồng/kg. Riêng đối với loại dứa canh tác theo phương pháp hữu cơ để nhập vào các siêu thị, các chuỗi cửa hàng, có giá 20.000 đồng/kg.
Theo ông Phan Văn Tuấn, công chức phụ trách nông nghiệp xã Tân Thắng, giá dứa này sẽ duy trì trong khoảng một tháng, sau đó rơi vào chu kỳ giảm trong 15 ngày rồi tăng giá trở lại. Bởi vậy, các hộ trồng dứa đang huy động nhân lực để thu hoạch trước khi giá dứa rơi vào chu kỳ giảm.
“Trung bình mỗi ha dứa cho thu hoạch từ 33 tấn đến 36 tấn. Với mức giá hiện tại, mỗi ha, người trồng thu khoảng 250-270 triệu đồng. Sau khi trừ giống, phân bón và công lao động, bà con lãi khoảng 160 triệu đồng/ha”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới giá dứa “neo cao”. Thứ nhất, mặt hàng hoa quả trong đợt này cao, quả dứa phụ thuộc vào giá chung của thị trường hoa quả. Nguyên nhân thứ 2, cũng chính là nguyên nhân cốt lõi, người trồng dứa đã làm chủ được kỹ thuật trồng dứa rải vụ, “ép” dứa chín theo thời điểm mong muốn.
“Kỹ thuật này được nông dân Tân Thắng nghiên cứu, tích lũy trong suốt 20 năm qua, đưa vào áp dụng trong 2 năm trở lại đây. Bằng việc đếm lá, nhìn màu sắc, nhìn trời và sự mẫn cảm đặc biệt của người trồng dứa, một số nông dân đã “ép” dứa chín vào thời điểm mong muốn, bán được giá.
Địa phương đang từng bước chắt lọc kinh nghiệm của người dân để viết thành phương pháp canh tác, đưa vào áp dụng rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của cây dứa”, ông Phan Văn Tuấn cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm