Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo luật Việc làm đang được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cụ thể, tại điều 9 quy định những hành vi bị nghiêm cấm, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 9 hành vi, gồm:
Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, xu hướng tình dục.
Xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; thực hiện hành vi bạo lực hoặc quấy rối, bao gồm bạo lực hoặc quấy rối trên cơ sở giới tính.
Tuyển dụng, sử dụng người lao động vào làm việc trái quy định của pháp luật.
Dụ dỗ, hứa hẹn và quảng cáo gian dối để lừa gạt người lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động để thực hiện những hành vi trái pháp luật.
Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và sử dụng lao động trong các công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
Lợi dụng giao dịch việc làm điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chậm đóng, trốn đóng BHTN; chiếm dụng tiền hưởng BHTN; sử dụng quỹ BHTN không đúng quy định pháp luật; truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHTN; thông đồng, móc nối, bao che, cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHTN; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về BHTN; xuyên tạc về chính sách BHTN.
Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về lao động; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về tình trạng việc làm.
So với luật Việc làm 2013 có 6 hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo mới cụ thể hóa một số hành vi nghiêm cấm xâm phạm thân thể như: bạo lực, quấy rối tình dục; phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, dân tộc, độ tuổi…
Bên cạnh đó, dự thảo mới, bổ sung thêm 3 hành vi bị nghiêm cấm, đó là:
Lợi dụng giao dịch việc làm điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chậm đóng, trốn đóng BHTN; chiếm dụng tiền hưởng BHTN; sử dụng quỹ BHTN không đúng quy định pháp luật; truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về BHTN; thông đồng, móc nối, bao che, cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHTN; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về BHTN; xuyên tạc về chính sách BHTN.
Truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về lao động; báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về tình trạng việc làm
Theo dự thảo tờ trình dự án luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH cho biết, các quy định, chính sách của luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay chưa có quy định chính sách trong việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm; thiếu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển việc làm sáng tạo, việc làm trong bối cảnh kinh tế số, chuyển đổi số; chưa có quy định, chế tài bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng như xử lý cụ thể đối với các hành vi giao dịch việc làm trên môi trường điện tử …
Do đó, việc sửa đổi luật Việc làm là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động; đồng thời cũng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h