Lời nói dối… chân tình
Những ngày qua, đoạn video ghi cảnh một nữ điều dưỡng người Việt Nam bịn rịn chia tay một cụ bà Nhật Bản trước khi về nước được lan truyền mạnh mẽ và nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.
Trong đoạn video, cô gái ân cần dặn dò cụ bà nhớ giữ sức khỏe đợi ngày cô quay trở lại, còn người phụ nữ lớn tuổi rưng rưng nước mắt vì khoảnh khắc sắp phải chia xa.
“Con sắp xếp xong công việc ở Việt Nam, hãy quay trở lại Nhật Bản nhé”, cụ bà nghẹn giọng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Phạm Thị Yến (28 tuổi, quê ở huyện Nông Cống, Thanh Hóa) xác nhận bản thân là nhân vật xuất hiện trong đoạn video “gây bão”.
“Cụ Kitamiyo rất buồn khi biết tin tôi về nước. Tôi đành nói sẽ quay lại để cụ an tâm”, chị Yến kể.
Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng dệt may, chị Yến quyết định sang Nhật theo diện thực tập sinh làm nghề may. Hết 3 năm hợp đồng, do Covid-19 bùng phát không thể về quê, vào tháng 9/2021, cô gái Thanh Hóa xin làm việc ở viện dưỡng lão vì rất thích được chăm sóc người cao tuổi.
Tới tháng 1/2024, Yến quyết định về nước để ổn định cuộc sống. Cô dự định sẽ kiếm một công việc nào đó ở quê nhà vì khó quay lại Nhật.
Trước giờ phút chia tay, cô không dám nói với cụ Kitamiyo. Một nhân viên tại viện đã kể chuyện nên cụ bà 93 tuổi biết thông tin. Lúc hay tin, cụ nghẹn ngào và cố níu giữ cô ở lại.
Cụ đôi lúc hơi đãng trí nhưng luôn nhớ tên Yến rất chính xác. Sức khỏe của cụ bà cũng không tốt. Phổi bị thiếu oxy, phải dùng máy trợ thở.
“Cụ hãy sống thật lâu và nhớ đợi con quay lại nhé”, Yến dặn dò.
Viện Ibukien nơi cô làm việc nằm ở tỉnh Gifu, thuộc tiểu vùng Tokai, là một trong 7 tỉnh lớn ở Nhật Bản. Trung tâm có khoảng 60 nhân viên, trong đó có 6 người Việt Nam.
Yến cho biết, phần lớn các cụ trong viện đều ở độ tuổi từ 90 trở lên, thậm chí có người đã 107 tuổi. Sau một thời gian khá dài sống ở Nhật Bản, cô gái Việt nhận thấy hầu hết người già ở đây đều vào viện dưỡng lão, một phần vì tự nguyện, phần khác do không kết hôn nên chẳng còn ai thân thích. Ngoài ra, còn một lý do phổ biến khác là người cao tuổi không muốn làm phiền con cháu.
Và đây cũng là nơi Yến quen biết cụ bà Kitamiyo.
“Cụ năm nay 93 tuổi và có 8 người con. Mỗi tháng 2-3 người con của cụ sẽ đến thăm mẹ đôi ba lần. Cụ thích ăn quýt nên lần nào tới các con cụ cũng mang theo. Mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường vào phòng để trò chuyện, cụ lại dúi cho tôi một vài quả. Tình cảm giữa tôi và cụ cứ thế gắn bó dần theo thời gian”, Yến cho biết.
Những khoảnh khắc khó quên
Theo Yến, mỗi ngày, các điều dưỡng viên sẽ làm việc theo ca. Cụ thể, ca sớm từ 7h đến 16h, ca muộn từ 10h đến 19h hoặc ca đêm từ 16h30 đến 10h30 sáng hôm sau. Với mức thu nhập khoảng 22 man (gần 40 triệu đồng), Yến dành dụm, tích góp được một khoản tiền để đều đặn gửi về cho gia đình.
Công việc hàng ngày của cô gái trẻ bắt đầu từ việc pha trà buổi sớm cho các cụ. Tới trưa, các điều dưỡng viên sẽ lấy cơm cho từng người. Ai không tự đi được sẽ cần người hỗ trợ dìu từ giường xuống xe lăn và đẩy ra ngoài. Cụ nào không tự ăn được sẽ có người xúc, đút.
Trung tâm phân chia chế độ ăn mỗi người khác nhau. Ví dụ suất ăn dành cho người bị tiểu đường, tim mạch và cao huyết áp sẽ hạn chế tinh bột. Cụ nào không còn răng sẽ chỉ ăn cháo.
Thời gian đầu, công việc của cô rất khó khăn bởi đa phần các cụ đều nói tiếng địa phương. Cô phải nhờ người hỗ trợ mới quen dần.
Cô cho biết, một điều dưỡng viên phải chăm sóc nhiều cụ nên đôi khi có người cáu gắt vì mệt mỏi. Điều này khiến một số cụ tủi thân. Khi chứng kiến những trường hợp như vậy, Yến học cách cân bằng cảm xúc, chân thành đối đãi để gần gũi hơn với người lớn tuổi.
“Cụ Kitamiyo dành nhiều tình cảm cho tôi. Mỗi khi thấy tôi đi qua phòng, cụ luôn gọi đúng tên, chờ tôi vào phòng để có người trò chuyện. Người già ở Nhật cô đơn lắm. Họ rất thiếu thốn tình cảm nên luôn muốn có người để chia sẻ”, Yến nhận xét.
Gần 4 năm gắn bó với Viện dưỡng lão, cô gái Thanh Hóa chứng kiến nhiều khoảnh khắc vui buồn trong nghề. Và điều khiến cô khó quên nhất là giây phút chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt.
“Thời điểm làm ca đêm, tôi từng 2 lần chứng kiến cảnh có cụ qua đời trong ca làm của mình. Lúc đó, tôi phụ giúp y tá đưa người đã khuất vào phòng tắm để vệ sinh sạch sẽ rồi chuyển vào phòng lưu chờ người nhà tới đón.
Ban đầu làm công việc này tôi thấy sợ. Dần dần nỗi sợ không còn nữa, thay vào đó là sự quyến luyến, xót xa khi người mình từng chăm sóc không còn nữa. Tôi coi các cụ như ông bà, người thân của mình. Chứng kiến cảnh người nhà tới đón các cụ về, bất giác trong lòng lại rưng rưng”, cô nhớ lại.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm