Nghỉ lễ dài là cơ hội kiếm tiền
Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 năm nay, người lao động có thể được nghỉ liền 5 ngày. Ngược với xu hướng chung những người háo hức rời thành phố về quê, đi du lịch, nhiều người lao động chọn “ở lại giữ thủ đô”, cày cuốc, tranh thủ kiếm thu nhấp gấp 3-4 lần ngày thường.
“Dịp lễ 30/4 – 1/5 này, công ty tôi nhận rất nhiều đơn đặt hàng tổ chức chương trình kỷ niệm, cao điểm bán hàng, khuyến mãi và các chiến dịch quảng cáo, hoạt động teambuilding… Vì vậy tôi và ê-kíp phải “cày” xuyên lễ với số hợp đồng đã ký”, anh Nguyễn Trọng Phúc (30 tuổi, người tổ chức sự kiện) cho biết.
Anh Phúc xác nhận, nghỉ lễ 30/4-1/5 hàng năm luôn là dịp ê-kip tổ chức sự kiện của anh “hái” ra tiền nhưng vì khối lượng công việc tăng cao và phải dồn tổng lực xử lý trong thời gian ngắn nên áp lực đợt này vô cùng lớn.
Phần việc khó xử lý nhất là lo gom đủ nhân lực làm việc trong những ngày này. Để tổ chức các sự kiện lớn luôn cần rất nhiều nhân công thời vụ mà nếu không có mối, có chuẩn bị trước thì những ngày nghỉ lễ rất khó tìm người vì “dân chuyên nghiệp” trong lĩnh vực này đều… chạy sô.
“Công việc có tính chất đặc thù, không chỉ bản thân tôi mà các công ty, đồng nghiệp đều chọn ở lại thành phố làm việc. Trong mấy ngày nghỉ lễ đợt này, dự kiến thu nhập của chúng tôi bằng 2-3 tháng lương bình thường”, anh Phúc tiết lộ.
“Vừa kiếm được việc, đâu cần nghỉ làm chi”
Chị Nguyễn Thị Hường, công nhân mất việc sau Tết, hiện vẫn bị công ty cũ nợ lương 2 tháng. Đầu tháng 4/2024 chị vừa xin được việc mới tại một nhà hàng trên địa bàn quận 12, TPHCM.
Giai đoạn khó khăn vừa qua, chị phải vay mượn khắp nơi mới có tiền để cầm cự, trụ lại thành phố. Vì vậy dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới chị không nghĩ đến chuyện về quê hay đi du lịch.
“Chủ nhà hàng vừa thông báo dịp lễ này những nhân viên ở lại làm việc sẽ được nhận lương gấp 3 so với ngày thường. Tôi mừng lắm, đăng ký làm toàn bộ những ngày nghỉ đợt này để có thêm thu nhập, đằng nào cũng không đi đâu”, chị Hường dự định.
Tương tự chị Hường, anh Nguyễn Văn Tiến (thợ xây) nhắc lại, suốt năm 2023 đến nay là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn với gia đình anh. Vợ anh làm công nhân, bị công ty cho nghỉ trong mấy đợt cắt giảm nhân sự.
Công việc của anh Tiến hiện là nguồn thu nhập gần như duy nhất của gia đình. Tình hình càng áp lực từ cuối năm 2023, khi công việc của anh cũng bấp bênh, công trình ít, ngày làm ngày nghỉ. Cả gia đình đang phải “thắt lưng buộc bụng”, ngày càng phải tính toán, tiết kiệm hơn.
2 năm qua, cả nhà không có khái niệm nghỉ lễ. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi vì kinh tế “hẻo”, vợ chồng anh cũng chọn ở lại thành phố cho đỡ tốn kém.
“Ngày lễ tôi vẫn sẽ đi làm, được trả công cao hơn ngày thường nhiều nên rất vui. Đợt này nghỉ lễ liền 5 ngày mà có việc để ra công trình đủ 5 ngày thì cũng kiếm được khoản khá, 3-4 triệu đồng, gần bằng cả tháng lương”, anh Tiến nhẩm tính.
Theo quy định tại Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động đi làm đúng ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 được tính thù lao theo lương làm thêm giờ.
Tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ luật Lao động như sau: Tiền lương làm thêm ban ngày là 300% x tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Tiền lương làm thêm ban đêm là 390% x tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm