Chiều 15/4, vừa bán xong hơn chục tấn cam sành với giá 3,5 triệu đồng/tấn, ông Nguyễn Hoàng Bê (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) ngồi bệt xuống luống cam, vẻ mặt thất thần.
“Xong rồi, hết rồi”, ông Bê nói một mình, đưa mắt nhìn vườn cam trơ trọi.
Tuổi đã lớn, không nghề nghiệp, không ruộng vườn, vì muốn tự kiếm thu nhập để đỡ gánh nặng cho con cái, năm 2020, ông Bê liều mình vay tiền thuê đất trồng cam.
4 năm trước, ông quyết đầu tư 200 triệu đồng thuê 4.500m2 đất và cải tạo thành từng luống để trồng cam. Với giá cam thời điểm đó rẻ nhất cũng trên 20 triệu đồng/tấn, ông Bê nhẩm tính thế nào cũng để ra được một khoản lãi.
Nhưng cam trồng phải hơn 2 năm mới ra trái. Năm ngoái là mùa đầu tiên vườn cam của ông Bê cho thu hoạch, chỉ bán được 4 triệu đồng/tấn, lỗ nặng.
Nhận định thị trường vẫn còn ảm đạm, năm nay ông Bê không dám đầu tư nhiều, thế mà tiền bán cam vẫn không bù được chi phí phân bón, thuốc.
“Thế là hết rồi, hết năm nay phải trả vườn. Bốn năm vất vả mà cầm chắc lỗ 250 triệu đồng”, lão nông mếu máo như sắp khóc.
Đối diện với vườn cam của ông Bê, nằm bên kia sông là vườn cam 3.000m2 của ông Huỳnh Bá Nhanh. Dự kiến vườn cam sẽ thu hoạch đúng đợt rộ của cả vùng, ông Nhanh đang như ngồi trên đống lửa.
“Tôi trồng cam đến nay là 24 năm rồi. Thời huy hoàng cam có giá đến 30 triệu đồng/tấn, làm ham lắm. Hồi đó tôi có cả ha cam, nhưng mấy năm nay phải bỏ bớt đi, vì trồng càng nhiều lỗ càng nặng”, ông Nhanh chia sẻ.
Không chỉ là nhà vườn, ông Nhanh đang là chủ nhiệm Tổ hợp tác trồng cam sành của ấp. Tổ hợp tác của ông Nhanh có 25 thành viên, 15,5ha cam.
Một thời vườn cam của ông là mô hình kinh tế để cả ấp học hỏi, không ít người nhờ trồng cam mà khấm khá. Nhưng giờ nói đến cam, lão nông lắc đầu.
“Ba năm trước ấp còn độ 3ha trồng lúa, nhưng giờ chuyển sang trồng cam hết rồi. Số vườn đó năm nay là vụ thu hoạch đầu tiên luôn, cam cho trái nghịch vụ, nhưng vẫn lỗ nặng.
Mấy năm gần đây, không ít người vì trồng cam mà vay ngân hàng, không trả được nợ”, ông Nhanh nói.
Theo ông Nhanh, để đầu tư 1ha cam cần 300 triệu đồng tiền vốn cho 2 năm đầu. Vụ đầu tiên sẽ thu được khoảng 50 tấn trái. Từ vụ thứ 2, chi phí phân thuốc sẽ tốn khoảng 250 triệu đồng, thu được 70 tấn trái.
Ngoài các chi phí vật tư, chi phí chăm sóc cũng rất tốn, gần như vườn cam luôn phải có người túc trực. Nếu trồng trên đất mướn, chủ vườn sẽ tốn tiền thuê đất thêm 60 triệu đồng/năm.
Cam mỗi năm cho trái một lần, chính vụ là tháng 10, tuy nhiên hiện nay nhà vườn có thể xử lý ra trái quanh năm. Cây cam thường cho trái 3-7 năm, nhà vườn xử lý để năng suất càng cao thì càng tốn vật tư và thời gian cây sống càng ngắn.
“Mấy năm trước tổ hợp tác của tôi còn sản xuất theo quy trình VietGap, đạt tiêu chuẩn. Nhưng nay không ai còn ý tưởng đó nữa”, ông Nhanh nói với giọng ngán ngẩm.
Lý giải cho việc giá cam không thể tăng, anh Huỳnh Tây, một đầu mối thu mua cam ở Trà Vinh khẳng định “do không có thị trường”. Anh Tây đang thu mua cam đẹp với giá cao nhất khoảng trên 6 triệu đồng/tấn, cam xấu giá sẽ thấp hơn.
“Bây giờ không còn mùa thuận hay mùa nghịch nữa, mùa nào cam cũng nhiều. Cam chưa xuất khẩu được, chỉ bán chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Giá tùy theo ngày, ngày nào hàng ít thì giá có lên chút, ngày nào hàng nhiều dội chợ giá lại xuống ngay. Giá năm nay đã tốt hơn năm ngoái rồi đấy”, anh Tây nói.
Một vựa cam khác có sức tiêu thụ 7 tấn trái/ngày còn tỏ ra bi quan khi chỉ vài ngày tới cam ở Trà Vinh sẽ vào vụ rộ, giá có thể không còn được 5 triệu đồng/tấn như hiện tại.
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, diện tích trồng cam của tỉnh tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè với trên 2.600ha, cho sản lượng khoảng 157.000 tấn/năm. Sở đang bàn với các ngành chức năng để tìm đầu ra và hướng hỗ trợ cho nông dân.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm