Giữa trưa, nắng gắt càng khiến khu xưởng ở huyện Củ Chi (TPHCM) oi nồng, nóng bức. Trong nhóm thợ cơ khí trẻ tuổi, một người đàn ông dáng khô gầy, tóc đã bạc, đang hướng dẫn cho người làm cách gia công tối ưu, đạt hiệu quả nhất.
Người đàn ông ấy là nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe (60 tuổi). Trên tay ông là chiếc bẫy muỗi Mosla vừa được cấp bằng sáng chế năm ngoái. Sản phẩm cũng đạt giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024”. Để có được sự ghi nhận đó, ông Khỏe phải mất 1 năm nghiên cứu, 6 năm chờ đợi được cấp bằng để vững chân cho hành trình đưa sản phẩm ra thị trường.
Dù đã có 2 công ty trị giá bạc tỷ, 4 bằng sáng chế, một gia đình hạnh phúc, ông Khỏe khẳng định vẫn chưa muốn nghỉ ngơi khi sắp bước vào độ tuổi xưa nay hiếm. Bởi ngọn lửa khởi nghiệp, khao khát cống hiến vẫn còn “cháy”.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn khi khởi nghiệp trở lại vẫn còn rất nhiều, ông Khỏe càng thêm động lực. Ông mong muốn được tạo nhiều cơ hội để con đường khởi nghiệp ở tuổi 70 có thể trơn tru, đỡ được nhiều trở lực.
Cái tôi cá nhân hòa vào cái ta cộng đồng
Đã qua quá nửa con dốc bên kia cuộc đời vẫn phải tự mình mày mò, chạy vạy khắp nơi để tìm đối tác cùng khởi nghiệp như những ngày còn tuổi 20, ông chủ không thấy ngại sao?
– Lên chức ông nội xong, hình như tôi quên mất cảm giác ngại là như thế nào rồi (cười).
Tôi cảm thấy mình may mắn khi có đủ sức khỏe để được bận rộn, làm việc và cống hiến như thế. Tôi nghĩ bản thân vượt qua được cảm giác ngại ngùng, tự ái là nhờ đặt cái tôi cá nhân hòa vào cái ta cộng đồng.
Nghĩa là tôi không còn khởi nghiệp vì bản thân, vì tiền bạc nữa, mà là vì khao khát được cống hiến, đóng góp giá trị cho xã hội. Có được lý tưởng đó không dễ, tôi đã phải trải qua hành trình dài đánh đổi bằng nhiều thứ lắm.
Mất 1 năm nghiên cứu, 6 năm chờ đợi để sáng chế bẫy muỗi của ông được công nhận. Suốt thời gian đó, ông đã làm gì?
– Ý tưởng luôn đến vô cùng bất chợt nhưng là những vấn đề rất thực tế mà đôi khi ta không để tâm.
Tôi bị ám ảnh mỗi khi đọc báo, xem đài, đâu cũng thấy tin tức về dịch sốt xuất huyết. Không chỉ riêng TPHCM, kể cả một quốc gia nổi tiếng xanh sạch như Singapore cũng bùng phát dịch. Nhìn hình ảnh những đứa trẻ vật vờ trong bệnh viện, thậm chí mất mạng vì dịch bệnh có thể ngăn chặn này, tôi thấy vô cùng đau lòng.
Nhưng bây giờ, làm sao để giải quyết? Tại sao vẫn chưa thể ngăn chặn hiệu quả sốt xuất huyết, để bệnh dịch này gieo rắc ám ảnh quá lâu?
Tính tò mò khiến tôi luôn đặt câu hỏi “tại sao”. Câu hỏi “tại sao” ấy sẽ dẫn ta đến những đáp án vô cùng bất ngờ.
Thật ra, thị trường đã tồn tại các loại thiết bị diệt muỗi như nhang muỗi, thuốc xịt, vợt điện, đèn bắt muỗi, thậm chí có các biện pháp nuôi cấy muỗi biến đổi gene. Thế nhưng, các biện pháp ấy vẫn chưa tối ưu vì muỗi truyền bệnh vẫn sinh sôi, nảy nở ở những môi trường nước đọng.
Nghĩ đến đây, tôi mới trở lại với nguyên tắc mà chúng ta thường được nghe: “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Đúng vậy! Vấn đề phải được diệt trừ tận gốc.
Thay vì chạy theo bắt muỗi, tôi sẽ tạo ra một môi trường để dụ muỗi tới sinh sôi, rồi kết thúc ngay từ vòng đời đầu tiên của chúng. Nhưng để có sự khác biệt, tôi nghĩ mình phải tạo ra một thiết bị không cần điện, hóa chất, thân thiện với môi trường và giá thành hợp lí để ai cũng dùng được.
Bản thiết kế đầu tiên được tôi “vẽ” trong đầu, là một thiết bị hình khối chữ nhật, rỗng ruột tạo thành một hộp nước có nắp đậy. Những khe hở nhỏ trên nắp sẽ vừa là phần dụ muỗi mẹ tìm đến đẻ trứng, vừa là bẫy để lăng quăng dù nở thành muỗi cũng không thoát ra được, sau vài ngày thì chết.
Tôi bắt tay vào thử nghiệm ngay, lấy vật liệu có sẵn ở xưởng, mang về nhà làm thử. Lần đầu, chắc chắn chưa thành công. Nào là khe hở quá lớn hoặc quá nhỏ, chiều cao, mực nước chưa phù hợp… Nhiều đêm tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Ý tưởng nảy ra, tôi lại bật dậy ghi chép, làm tiếp.
Đến tháng 11/2017, cuối cùng tôi cũng ra được bản thiết kế hoàn chỉnh. Tôi gửi cho người quen, thợ ở xưởng, nhờ thử nghiệm đặt bẫy muỗi. Chỉ trong 2 tuần, tôi phát hiện lăng quăng đã nở đen kịt trong chiếc bẫy. Tỉ lệ lăng quăng phát triển thành muỗi lọt ra lại môi trường bên ngoài ước chừng chỉ 1%.
Lúc ấy, tôi mới nộp sản phẩm, bản thuyết trình xin đăng ký bằng độc quyền giải pháp hữu ích bẫy muỗi Mosla. 6 năm sau, tôi mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Nếu ví hành trình này là một ngọn núi, thời điểm ấy, tôi chỉ mới đứng ở chân núi thôi.
Vậy ông đã “leo núi” như thế nào?
– Nhận được tấm bằng, tôi tiếp tục đi tìm xưởng sản xuất, đối tác cùng đồng hành để hiện thực hóa những thứ còn nằm trên giấy. Ở tuổi ngoài 50, tôi háo hức khi được bận rộn như một cậu trai 20 vừa khởi nghiệp.
Nhiều người lắc đầu, cười khẩy, khuyên tôi sống thực tế hơn. Nhưng không vì vậy mà tôi bỏ cuộc. Họ chưa đồng ý, nghĩa là họ chưa hiểu mình. Đó là động lực để tôi chứng minh điều mình làm là đúng.
Nhờ nghĩ như vậy, tôi cuối cùng cũng đạt được thứ mình muốn, tìm được người đồng hành và xưởng gia công thích hợp.
Ban đầu, chi phí sản xuất và mức giá bán ra là thứ khiến tôi đau đầu nhất. Tôi đã đầu tư hơn 400 triệu đồng, trong đó, tạo khuôn là phần ngốn nhiều chi phí nhất. Hằng đêm, tôi nghĩ làm sao tối ưu chi phí, để giảm giá một thiết bị từ mức 500.000 đồng xuống chỉ còn 100.000 đồng.
Bạn nghĩ điều này là không thể đúng không? Nhưng tôi đã làm được việc đó nhờ điều chỉnh hình khối chữ nhật sang hình trụ. Vượt qua được khó khăn, cảm giác “đã” lắm. Khó khăn là thứ để chúng ta nhận ra mình vẫn chưa cố gắng 100% sức lực.
Giải quyết xong bài toán chi phí, tôi bắt đầu hướng đến chuyện xanh hóa sản phẩm. Bẫy muỗi Mosla có thể được tái chế từ nguồn rác thải nhựa. Cơ chế hoạt động không tiêu tốn nhiên liệu hay thải bất kỳ chất gì ảnh hưởng đến người dùng. Không những vậy, vì không cần động cơ nên bẫy muỗi có thể sử dụng rất lâu, hạn chế rác thải ra môi trường.
Tôi đã thử nghiệm trong phạm vi người thân, bạn bè. Sắp tới, tôi sẽ phát miễn phí cho bà con dùng thử, đồng thời tổ chức tập huấn cách diệt lăng quăng, phòng sốt xuất huyết. Năm 2025, sản phẩm dự kiến sẽ được thương mại hóa.
Chiếc xe đạp đi 80 km/ngày và hành trình chữa “bệnh” tự ái
Sáng chế ra một thiết bị hữu ích là điều không phải ai cũng làm được, kể cả người có trình độ học vấn cao. Với ông thì sao?
– Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi tôi nói tôi vẫn chưa học hết lớp 8.
Tôi sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nông ở Đồng Nai. Bố mất sớm, một mình mẹ tôi dãi nắng dầm sương ở khu vườn trồng rau củ, hoa màu, nuôi 3 người con. Mẹ luôn dạy tôi rằng nếu muốn thành công, bản thân phải thật khác biệt. Đó là triết lý kinh doanh mà tôi luôn khắc cốt ghi tâm.
Lên lớp 8, tôi thuộc tốp những học sinh giỏi nhất lớp. Nhưng trong một lần ốm nặng, tôi nằm viện nên phải nghỉ học nhiều ngày. Ngày trở về trường, tôi chưa theo kịp kiến thức và nhận điểm 2 trả bài miệng từ cô giáo.
Một học sinh giỏi như tôi bắt đầu thấy tự ái và mất đi động lực học tập. Tôi nghỉ học, dù giáo viên chủ nhiệm lớp có đến nhà khuyên nhủ, động viên. Sau nỗ lực của thầy cô, tôi trở lại trường được khoảng 2 tuần rồi quyết định nghỉ hẳn.
Ông có hối hận về quyết định đó không?
– Tôi không hối hận, nhưng có chút tiếc nuối.
Sau khi nghỉ học, tôi phụ mẹ làm nông một thời gian rồi lấy miến ở làng mình mang lên TPHCM bán. Mỗi ngày, tôi đạp xe ít nhất là 80 km, có ngày hơn 160 km.
Mãi đến năm 1989, lập gia đình rồi tôi mới chuyển sang đi bằng xe máy, mở sạp bán ở Chợ Lớn (quận 6). Để miến của mình khác biệt, tôi bắt đầu gắn nhãn hiệu. Nói vậy cho sang chứ đó chỉ là hình một con bồ câu, nhưng nhờ vậy, khách hàng phân biệt được và nhớ đến sản phẩm của mình.
Ngày đó, đơn hàng nườm nượp, tôi kiếm được khá nhiều tiền. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng mình không cần đi học mà cũng thành công đấy thôi.
Tuy nhiên, khi con gái bắt đầu đi học, mọi chuyện với tôi lại hoàn toàn khác.
Tôi sợ không theo kịp được kiến thức để dạy con. Thời ấy, công nghệ cũng bắt đầu phát triển, nhiều thứ mới lạ mở ra nhưng tôi không tài nào cập nhật được. Lúc ấy tôi mới nhận ra, chút tự ái khi xưa đã khiến tôi bỏ lỡ quá nhiều thứ.
Năm 2000, tôi nhờ em vợ mua giúp chiếc máy tính. Tôi bắt đầu hì hục học ngoại ngữ, lên mạng tìm đọc tài liệu, các bài nghiên cứu, video giảng dạy trong và ngoài nước. Tôi cắm mặt vào máy tính nhiều đến nỗi cước phí mạng Internet lên đến cả triệu đồng mỗi tháng.
Càng học, tôi càng say mê. Lúc đó tôi mới nhận ra việc học có thể đưa chúng ta tới được 95% thành công, 5% còn lại chính là khả năng vận dụng cuộc sống. Nhờ vậy, tôi chữa được “bệnh” tự ái. Lỡ thất bại hay còn dở điểm nào, tôi sẽ tìm tòi, học hỏi và khắc phục. Thậm chí, bây giờ có nhiều thứ tôi vẫn đang học từ chính nhân viên của mình.
Năm 2006, tôi thành lập công ty cung cấp miến cho các siêu thị, nuôi 3 con ăn học thành tài. Nhờ những kiến thức học trên mạng, tôi nảy ra ý tưởng sáng chế máy sấy thực phẩm.
Sau nhiều lần thất bại, tôi kết hợp kiến thức trong sách vở và sự hiểu biết của chính mình, cuối cùng làm ra chiếc máy sấy và được cấp bằng sáng chế. Năm 2014, tôi thành lập công ty thứ hai để gia công sản phẩm này.
Dù thua lỗ không ít lần, nhưng đến nay, cả hai công ty của tôi đều hoạt động rất tốt. Thậm chí, năm 2018, tôi còn gọi vốn thành công trên chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ).
May là tôi đã kịp chữa “bệnh” tự ái năm xưa (cười).
Hàng chục năm theo đuổi hành trình khởi nghiệp, bây giờ vẫn tiếp tục không ngưng nghỉ, vậy đích đến cuối cùng ông muốn là gì?
– Cuộc đời tôi không xác định đích đến, mà chỉ có mục tiêu. Mục tiêu của tôi chính là phấn đấu để ngày hôm nay tiến bộ hơn ngày hôm qua một chút, để phục vụ cộng đồng.
Suốt hành trình khởi nghiệp, tôi đã phải đánh đổi bằng nước mắt, máu và cả những mối quan hệ. Lắm lúc, tôi cô đơn, bật khóc một mình khi trong túi không đủ tiền mua một ổ bánh mì. Nhưng tôi vẫn chọn bước tiếp, vì bỏ cuộc còn khó hơn.
Cảm ơn những lần thất bại, để tôi biết mình có thể tốt hơn.
Tôi thầm cảm ơn những lần thất bại, bởi như vậy, tôi mới biết mình vẫn còn cơ hội để trở thành phiên bản tốt hơn. Cuộc đời tôi chính là hành trình đi tìm cái mới và cái mới sẽ không bao giờ kết thúc. Đối với tôi, cuộc đời như vậy mới vô cùng đáng sống.
Triết lí kinh doanh tôi muốn tặng cuộc đời chính là “tận tâm – tận lực – tận cùng”.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Ông Đặng Bá Mạnh, Trưởng Phòng tư vấn và đào tạo – Trung tâm Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai), cho biết, trong khuôn khổ cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024, bẫy muỗi Mosla của nhà sáng chế Nguyễn Văn Khỏe được đánh giá có tính ứng dụng cao trong đời sống.
“Tính mới của sản phẩm là hướng đến việc ngăn chặn dịch sốt xuất huyết ngay từ giai đoạn phòng bệnh. Ngoài ra, ông Khỏe còn xây dựng được mô hình kinh doanh hợp lý, có hiệu quả cho sản phẩm này trong thời gian sắp tới”, ông Mạnh nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm