Bỏ phố về quê làm nhang
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở nhang sạch phố Hội, anh Phạm Công Thạch (28 tuổi, trú thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) tự hào khoe thành quả sau bao tháng ngày miệt mài lao động của mình.
Cơ sở nhang của anh Thạch vừa là nơi sản xuất, giới thiệu sản phẩm, vừa là không gian cho khách du lịch trải nghiệm.
Kể về hành trình khởi nghiệp, anh Thạch cho hay, năm 2019, anh tốt nghiệp Học viện Hành chính TPHCM và vào làm tại một công ty với mức lương khá.
Đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, anh đành bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê. Những ngày rảnh rỗi, anh thường ngồi quan sát người cậu ruột làm nhang. Gia đình anh Thạch đã có 4 đời gắn bó với nghề này.
“Dù rất vất vả nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nên người trẻ cũng chẳng mấy mặn mà. Tôi nghĩ, sao mình không bắt đầu khởi nghiệp với nghề truyền thống vốn có của gia đình, vừa có một công việc, vừa tìm hướng đi mới để giữ nghề”, anh Thạch tâm sự.
Theo anh Thạch, bước khởi nghiệp đầu tiên của anh là học làm nhang, biết tường tận quy trình để tìm cách “bắt bệnh” cho sản phẩm. Từ thực tế, anh đã hiểu và thay đổi nguồn nguyên liệu, nhằm tạo sự khác biệt.
Cụ thể, anh dùng nguồn nguyên liệu tự nhiên như trầm, quế, bách thảo, tre, bời lời. Tất cả được anh chọn lọc kỹ lưỡng, không pha trộn hóa chất trong quá trình sản xuất và bảo quản.
“Khách hàng ngày càng có xu hướng sử dụng sản phẩm nhang sạch để tốt cho sức khỏe, vì vậy mỗi khi sản xuất nhang tôi đều lưu mẫu rồi gửi kiểm định chất lượng. Khi đạt yêu cầu tôi mới đóng gói và xuất bán”, anh Thạch cho hay.
Nhang sạch phố Hội khi đốt cháy có mùi thơm nhẹ, ít tro tàn, mùi nhang thơm nhẹ nên được khách hàng ưa chuộng.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của anh Phạm Công Thạch sản xuất khoảng 500kg nhang dạng thẻ, vòng… Trên mỗi hộp nhang đều có in rõ ngày sản xuất, xuất xứ và mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc.
Điểm du lịch trải nghiệm
Không chỉ phục hồi nghề sản xuất nhang truyền thống, anh Thạch còn linh hoạt lồng ghép cơ sở thành điểm du lịch trải nghiệm. Khi du khách đến tham quan, có thể tự tay làm nhang theo phương thức thủ công và chụp ảnh lưu niệm.
Cơ sở của anh Thạch chỉ cách phố cổ Hội An chưa đầy 5km, vì vậy, anh chủ động kết nối với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến cơ sở. Dịp cao điểm du lịch, cơ sở của anh đón hơn trăm lượt khách/tháng.
“Ban đầu khi tôi quyết định “gác bằng” đại học để làm nhang, gia đình phản đối kịch liệt. Bây giờ cả nhà đã hiểu, sẵn sàng phụ giúp tôi trong việc làm nhang, tiếp đón du khách. Tôi đang cho xây dựng thêm các điểm check-in để phục vụ tốt hơn khi lượng du khách ngày một tăng”, anh Thạch chia sẻ.
Khách hàng tiêu thụ sản phẩm nhang sạch phố Hội ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội… Nhiều du khách châu Âu, châu Á cũng đặt mua hàng.
“Du khách khi đến cơ sở trải nghiệm họ rất thích nên khi về nước họ còn giới thiệu bạn bè, người thân đặt mua sản phẩm nhang tại cơ sở. Tôi kỳ vọng sản phẩm nhang sạch này không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn vươn ra thị trường nước ngoài”, anh Thạch nói thêm.
Ngoài việc bán sỉ, lẻ nhang sạch tại cơ sở, anh Thạch còn quảng bá thông qua các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Anh ấp ủ sẽ đưa sản phẩm tham dự OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhằm quảng bá, nâng tầm thương hiệu nhang sạch phố Hội.
Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, cho biết hiện nay Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Kim Bồng (Cẩm Kim) gồm 70 người, với hơn 20 nghề thủ công truyền thống như dệt chiếu, mộc… trong đó có nghề làm nhang của cơ sở anh Phạm Công Thạch.
“Chính quyền xã cũng khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, giữ gìn, bảo tồn nghề thủ công truyền thống, phát triển thành điểm du lịch trải nghiệm để thu hút du khách từ khắp nơi”, bà Thủy cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm