Thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cho biết, nhiều nội dung còn có ý kiến chưa thống nhất, đặc biệt là quy định về việc giao thẩm quyền cho Hà Nội tự quyết định biên chế.
Ủng hộ hướng quy định này, đại biểu nêu lý do, thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò quan trọng, là Thủ đô của đất nước, là trái tim, bộ mặt của quốc gia. Vì vậy yêu cầu quản lý mọi mặt của thành phố không đơn thuần và tương tự như các địa phương khác.
Hơn nữa, Hà Nội có dân số đông, các giao dịch hành chính có số lượng lớn, phức tạp, yêu cầu quản lý rất cao. Nhưng định biên hàng năm vẫn có chỉ tiêu giảm lượng viên chức và cán bộ hành chính, trong khi công việc ngày càng gia tăng, dẫn đến áp lực thực hiện nhiệm vụ nhất là đối với công chức.
Với việc không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, số lượng cán bộ ở cấp này đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của thành phố nâng lên thành quận, các xã trở thành phường.
Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cho cơ quan dân cử, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cũng đòi hỏi gia tăng nhân sự trong các Ban của Hội đồng nhân dân để phục vụ công việc.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Lý Thị Lan đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội dành cho thủ đô, các biện pháp đặc thù thúc đẩy khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển đột phá.
Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao. Bên cạnh đó là các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.
Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có quy định đề ra cho phép HĐND thành phố Hà Nội xác định số lượng biên chế căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách.
Việc này phải bảo đảm tỷ lệ phù hợp giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức trung bình của cả nước để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực hiện chế độ cán bộ, công chức thống nhất ở cả cấp xã, cấp huyện và thành phố; cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm 100% chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm