Không còn thời gian cho bản thân, gia đình
Trở về nhà trọ sau gần 20 giờ lái xe, anh L.M.T. (42 tuổi), tài xế xe công nghệ, thấy cơ thể không còn chút sức lực nào. Ngó thấy vợ con đã ngủ say, anh T. thở dài, mệt mỏi leo lên giường để ngủ một lát.
Giấc ngủ chưa kéo dài được bao lâu, anh T. chợt tỉnh giấc khi chuông báo thức reo khi đồng hồ đã điểm 4h sáng. Lúc này, anh lại thay quần áo, tiếp tục hành trình mưu sinh. Cứ thế, 6 năm qua, một tài xế xe ôm công nghệ như anh hầu như ngày nào cũng về nhà khi vợ con đã ngủ và rời đi khi gia đình chưa thức.
Thỉnh thoảng, anh cũng dành một vài ngày nghỉ ở bên gia đình. Nhưng mỗi ngày nghỉ là từng ngày lo, bởi xem như ngày đó anh không kiếm được ra tiền. Hơn nữa, anh làm tài xế xe công nghệ, vợ làm công nhân.
Tiền kiếm được của hai vợ chồng chỉ đủ lo cho sinh hoạt trong gia đình. Vì thế, anh chẳng dám nghĩ đến chuyện đưa vợ con đi chơi vào ngày nghỉ.
Đối với anh T., anh sợ nhất là hôm nào xe hư hay bản thân bị ốm nặng. Bởi ngày đó xem như chẳng kiếm được tiền mà còn “lỗ vốn”.
“Mỗi ngày, mở mắt ra là tốn mấy trăm nghìn đồng. Nào là tiền trọ, điện, nước, tiền học cho con, ăn uống,… sừng sững trước mắt. Bản thân phải tự nhủ làm sao kiếm được đủ số tiền ấy thì mới được về nhà. Nói thật, cực kỳ áp lực!”, anh T. nói.
Trước đây, anh T. có nhà ở TPHCM, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên đành bán nhà, thuê trọ ở tỉnh Long An để sống. Hằng ngày, anh đều chạy xe hàng chục km lên thành phố. Anh T. ăn “bụi”, ngủ “bụi”, dần dà sức khỏe cũng bị hao mòn theo thời gian.
Dạo gần đây, thu nhập giảm 50% so với trước. Vậy nên thay vì chỉ làm việc hơn 10 tiếng, anh T. “tăng tốc”, chạy gần 20 tiếng/ngày.
“Bản thân không có thời gian gần gũi với gia đình cũng lâu quá rồi. Mọi thứ dần trở thành thói quen, tôi cứ đi làm về là ngủ, ngủ dậy lại đi mà chẳng kịp nói câu nào. Lắm lúc, tôi ngẫm lại không biết vợ tôi có chán nản, mang con bỏ tôi mà đi hay không”, anh T. nói nửa thật, nửa đùa, miệng cười chua chát.
Nghề “làm dâu trăm họ”
Theo anh T., nghề tài xế là nghề “làm dâu trăm họ”. Bởi bản thân lúc nào cũng phải làm vừa lòng người khác mà không dám lên tiếng.
“Có nhiều khách hàng họ không hiểu, chỉ vì một vài hiểu lầm nhỏ mà họ đánh giá tài xế 1 sao. Nhiều lúc chúng tôi bị oan nhưng không thể giải thích vì sợ khách hàng cho rằng mình đang cãi lại. Nhưng không giải thích thì lại bị đánh giá, trừ điểm”, anh T. thở dài, nói.
Gần đây, sự việc tài xế giao hàng (shipper) bị nhân viên quán cơm bắt chờ 30 phút, mắng: “Anh sao so bì với khách em được”, đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Xem qua video đó, anh Nguyễn Huy Bình (41 tuổi, ngụ tại tỉnh Long An), tài xế xe công nghệ, chỉ cười trừ, bởi anh cũng nhiều lần trải qua cảm giác bị xem thường ấy.
“Chúng tôi là tài xế, đại diện cho khách hàng đến lấy món nhưng có nhiều quán họ ưu tiên khách đến mua trực tiếp, gạt shipper qua một bên. Những lúc như vậy, bản thân chỉ có thể chịu đựng mà không làm được gì khác”, anh Bình bộc bạch.
Làm nghề hơn 1 năm, anh Bình đã sớm thấm thía đủ mọi “đắng cay” mà nghề mang lại. Không những vậy, anh còn cảm nhận sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt. Để kiếm thêm thu nhập, anh và nhiều đồng nghiệp khác phải làm việc đến mức quên ăn, khiến cho bệnh dạ dày ngày càng tệ hơn.
“Nhiều người khuyên thấy cực quá thì kiếm nghề khác làm, nhưng bây giờ kiếm việc đâu phải dễ. Tôi cũng từng là công nhân, bị sa thải rồi đi chạy xe ôm công nghệ. Ở tuổi này mà xin đi làm công nhân thì khó có chỗ nào nhận lắm. Bây giờ chỉ cố gắng đến đâu hay đến đó thôi”, anh Bình thở dài, nói.
Anh Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn xe ôm, xe công nghệ quận Bình Tân, nhận định, thời gian qua, tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn trong công việc, đặc biệt là sự sụt giảm về thu nhập.
Nguyên nhân là do ngày càng có nhiều người đăng ký làm tài xế, khiến cho “miếng bánh” càng bị chia nhỏ.
Thấu hiểu những vất vả của tài xế, thời gian qua, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều mô hình hỗ trợ cho tài xế, mới nhất là “Điểm dừng chân” được bố trí tại một quán cà phê trên địa bàn quận Bình Tân. Tài xế khi đến đây sẽ ngồi nghỉ, được cho trà đá, mì gói và wifi miễn phí. Tài xế còn được đi vệ sinh, tắm rửa mà không mất tiền.
Vào ngày cuối tuần, Nghiệp đoàn còn tổ chức sửa xe miễn phí, tài xế chỉ cần bỏ tiền mua phụ tùng. Không những vậy, đối với những tài xế có hoàn cảnh khó khăn, Nghiệp đoàn cũng sẵn sàng xem xét, hỗ trợ tiền cho tài xế, tùy vào hoàn cảnh và tính chất sự việc.
“Mục đích của mô hình này là để các tài xế có nơi nghỉ ngơi, cùng trò chuyện, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để công việc trở nên nhẹ nhàng hơn”, anh Lưu nói.
Theo khảo sát do Grab phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Trung tâm Tư vấn sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện, thu nhập bình quân (đã trừ phí, xăng,…) của tài xế mô tô đang ở mức 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; tài xế xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các tài xế toàn thời gian phải làm việc 8-13 tiếng/ngày; tài xế bán thời gian là 5-6 tiếng/ngày. Thời gian làm việc linh hoạt nhiều giờ trong ngày đã vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ luật Lao động năm 2019 (tối đa 12 tiếng/ngày).
Họ còn bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc. Tỷ lệ chiết khấu của các hãng công nghệ khá cao. Trung bình, tài xế, shipper chỉ nhận được khoảng 75% giá trị đơn hàng, nhưng trong đó, họ đã phải tự trả thêm 30% cho chi phí phương tiện, khấu hao,…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm