Bỏ việc lương cao để… về với rừng
Từ nhỏ, anh Nguyễn Tuấn Nam (Ba Vì, Hà Nội) đã bị thu hút trước những thước phim về thiên nhiên hoang dã. Niềm đam mê với thiên nhiên được khơi dậy mạnh mẽ khi anh bắt đầu học đại học, ngành lâm nghiệp. Đó là nơi chắp cánh đưa anh đến với công việc bảo vệ rừng.
Trong chuyến thực địa đầu tiên tại Vườn quốc gia Cúc Phương khi còn là sinh viên, anh học về các loài cây và động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Trải nghiệm này giúp anh nhận ra rừng không đơn thuần là nhà cho động vật hoang dã mà còn là hệ sinh thái quan trọng với cuộc sống con người. Vì lẽ đó, mỗi người cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn rừng.
Công việc của anh Nguyễn Tuấn Nam là nghiên cứu về rừng, quản lý dữ liệu khách hàng, kiểm soát hệ thống, nội dung trên mạng xã hội… Mỗi ngày, anh dành thêm 3-4 tiếng tư vấn cho thế hệ sau về ngành học và cơ hội việc làm.
Ngoài công việc tại văn phòng, anh còn tư vấn, đào tạo, hỗ trợ cộng đồng địa phương khai thác rừng bền vững và xây dựng hồ sơ cấp chứng chỉ rừng theo quy định.
Anh cũng thường tham gia điều phối các hội thảo lâm nghiệp ở Việt Nam và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2022, anh một mình “Nam tiến” mở văn phòng đại diện tại TPHCM và làm quản lý của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, thúc đẩy quản lý bền vững và quảng bá hệ thống ở phía Nam.
Trước khi đến với công việc ngành lâm nghiệp, anh là cán bộ dự án về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái với mức đãi ngộ cao.
Ngành lâm nghiệp có lương thấp và mức độ rủi ro cao. Sinh viên mới ra trường chỉ nhận lương cơ bản, hệ số 2,34 (khoảng 4,2 triệu đồng). Công việc lại yêu cầu công tác dài ngày, đôi khi 2-3 tháng.
Song với niềm đam mê với công việc ở rừng, anh đã từ bỏ công việc lương cao để trở thành cán bộ chuyên sâu về lâm nghiệp.
Anh cười xòa so sánh, nếu nhiều người phải chi tiền đi tới những cánh rừng “chữa lành” thì anh lại được “chữa lành” miễn phí quanh năm.
Trong các chuyến công tác, anh còn có cơ hội tận mục nhiều động vật hoang dã. Kỷ niệm khó quên nhất với anh là xem voọc ở Vườn quốc gia Cát Bà. Anh Nam và đoàn công tác di chuyển từ 4h sáng, đến các vách núi nơi voọc thường tập trung.
Lần đó, vượt qua 4 vách núi mà không thấy bóng voọc nào, mọi người đều thất vọng. Bất ngờ, đến vòng núi cuối cùng, cả đoàn chợt sững lại khi trước mắt là cả đàn khoảng 30 cá thể voọc cùng leo trèo trên cây, đánh đu trên vách núi. Lặng người rồi vỡ òa trước cảnh tượng tuyệt vời khi đó khiến anh nhớ mãi.
Hiểm nguy rình rập
Do đặc thù phải làm việc trong rừng, rủi ro là không tránh khỏi với những người làm nghề rừng Nhớ lần đi thực địa, anh Nam và đồng nghiệp phải vào rừng sâu khảo sát cho dự án.
Trong lúc làm việc, anh vô tình giẫm vào tổ ong rừng. Đàn ong bay tán loạn, tấn công người xâm phạm. Địa hình hiểm trở khiến việc bỏ khó khăn. Kết quả, ai cũng bị ong đốt 4-5 mũi, có người hơn chục mũi, phải nằm viện điều trị suốt 2 ngày.
Sau “trận đòn” ấy, anh Nam cảm giác chùn trước những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn của rừng. Nhưng rồi đam mê vẫn thắng, anh Nam vẫn chọn gắn bó với rừng.
Một sự kiện không thể quên dù đã 10 năm trôi qua là ngày anh cùng đoàn công tác đo đạc rừng tại một vườn quốc gia. Bìa rừng xanh mát và hoang sơ, nhưng khi tiến sâu vào, đoàn phát hiện nhiều dấu chân lạ. Dấn sâu hơn, anh nhận thấy lối đi mỗi lúc một quang đãng hơn, do cây cỏ, bụi rậm được phát gọn, cùng nhiều dấu chân mới.
Nam nhân viên lâm nghiệp sững người trước cảnh tượng một lượng lớn cây cổ thụ bị đốn hạ ngổn ngang, cắt xẻ tại chỗ để vận chuyển đi. Sau cảm giác bất lực trước vô số đại thụ đổ gục, ván, gỗ la liệt, anh quyết tâm trở thành người bảo vệ rừng thầm lặng.
So với các ngành nghề khác, lâm nghiệp là công việc khó khăn, vất vả, nhiều hiểm nguy. Dù vậy, đã chọn nghề, anh Nam tâm niệm giữ rừng như bảo vệ nhà mình vậy.
Cam Ly
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm