Khu vực tỉnh Nghệ An đang bước vào đợt nắng nóng mới với nền nhiệt ở ngoài trời khoảng 37-38 độ C, có thể cao hơn vào thời điểm từ 11h đến 13h. Nắng cộng gió lào hầm hập nên người dân hạn chế ra đường, nếu bắt buộc phải ra đường đều trang bị mũ, khẩu trang, áo chống nắng… để bảo vệ sức khỏe.
Gần 11h ngày 3/6, tốp công nhân vẫn miệt mài trải thảm trên tuyến đường Lê-nin (đoạn qua xã Nghi Phú, thành phố Vinh). Nắng nóng từ trên dội xuống và sức nóng từ nhựa đường hất lên khiến không khí ngột ngạt hơn.
Sau khi mẻ nhựa được thảm xuống mặt đường, anh Trịnh Văn Thắng, chỉ huy công trường ra kiểm tra. Mặc dù đã trang bị áo khoác nắng khá dày và mũ vải nhưng khuôn mặt anh Thắng đỏ ửng, mồ hôi đầm đìa.
“Chúng tôi phải thi công vào buổi trưa hoặc buổi tối, khi mật độ giao thông thấp để tránh ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của bà con”, anh Thắng cho hay.
Anh Lê Văn Ngọc (quê Thanh Hóa) kiểm tra lại hệ thống hàng rào phân cách giữa phần đường được phép lưu thông và công trình đang xây dựng.
“Trời nắng quá, làm việc nhanh mất sức nhưng yêu cầu công việc như thế thì phải chấp hành thôi. Phía công ty cũng có nhiều chính sách để động viên người lao động như nước mát, tiền công, thưởng cuối năm…, nhờ vậy anh em công nhân cũng khắc phục khó khăn từ thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành đúng tiến độ”, nam công nhân cho biết.
Để chống chọi cái nắng khắc nghiệt ở Nghệ An, nam công nhân này phải sử dụng đến 3 lớp mũ. Dù vậy, dưới nắng nóng gay gắt, khuôn mặt anh Ngọc vẫn “đỏ như tôm luộc”.
Khoảng 11h, tốp nhân công một đơn vị chuyên cung ứng vật liệu xây dựng khẩn trương vận chuyển ngói cho công trình để kịp tiến độ theo yêu cầu của chủ nhà. Họ chuẩn bị sẵn nước C sủi để bù lượng nước cơ thể hao hụt do bị đổ mồ hôi.
Bến xe chợ Vinh là điểm tập kết nhận hàng hóa từ thành phố Vinh đi các huyện trong tỉnh và một số địa phương thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Các nhà xe thường xuất bến từ khoảng 11h đến 14h hàng ngày, bởi vậy, vào buổi trưa – cao điểm nắng nóng trong ngày – cũng là lúc đội ngũ cửu vạn và các nhà xe làm việc hết công suất để kịp giao nhận hàng hóa.
Các cửu vạn tại đây hầu như là mối quen của các nhà xe. Tiền công bốc vác được tính theo khối lượng hàng hóa vận chuyển nên càng làm nhiều, thu nhập trong ngày càng cao. Bởi vậy, dù trưa nắng nhưng họ đều phải làm việc để xe chất đủ hàng trước giờ xuất bến.
Việc vận chuyển những bịch hàng nặng 50-70kg giữa thời tiết khắc nghiệt khiến lao động nhanh mất sức hơn.
Mặc dù đã trang bị mũ vải, áo điều hòa nhưng với cường độ lao động cao và nắng nóng khiến khuôn mặt của người phụ xe này đỏ ửng như cháy nắng. Điều đặc biệt, lao động chủ yếu ở bến xe chợ Vinh là đàn ông, không nhiều chị em có thể trụ được với những công việc cần sức lực ở đây.
Anh Phạm Văn Hiển (34 tuổi), chủ xe chở hàng tuyến Vinh – Con Cuông (Nghệ An), cho biết, xe của anh khởi hành từ Con Cuông lúc 6h và có mặt ở thành phố Vinh lúc 10h. Đến 12h, xe xuất bến quay đầu về Con Cuông nên thời gian 10-12h là để nhận và xếp hàng hóa lên xe.
“Thời gian chạy tuyến cố định là như vậy nên nắng hay mưa cũng phải làm. Nắng nóng có mệt hơn thì mình động viên anh em phụ xe thêm li nước mát, cốc sữa chua…”, anh Hiển nói.
Nhiều người đàn ông không e ngại khi sử dụng mũ mềm và khẩu trang chống nắng của chị em bởi việc bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng nhất khi phải làm việc trong điều kiện nắng nóng.
Người đàn ông này phải bù sức bằng nước dừa ngay sau chuyến tải hàng. Một ngày làm việc, nếu may mắn họ có thể kiếm được nửa triệu đồng. Đây là khoản thu nhập đáng kể để phục vụ chi tiêu sinh hoạt gia đình và tích lũy lo cho con vào năm học mới.
Nếu như công việc của thợ bốc vác nặng nhọc thì công việc của các phụ xe cũng không kém phần. Phụ xe phải kiểm tra địa chỉ nơi nhận hàng để sắp xếp hàng lên thùng, thuận tiện cho việc dỡ trả hàng.
“Tôi làm công việc này được 5 năm. Công việc của tôi bắt đầu từ 6h đến 18h hàng ngày và hầu như không có ngày nghỉ trong tháng. Trung bình mỗi ngày tôi bốc dỡ khoảng 2 tấn hàng hóa, mỗi tháng kiếm được 12 triệu đồng chưa bao gồm cơm trưa. Công việc vất vả, nhất là những ngày nắng nóng như thế này, nhưng bù lại công việc và thu nhập ổn định”, anh Nguyễn Văn Nam (quê Hà Tĩnh) chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm