7h30, Đoàn Kim Tấn, một nhân viên điều dưỡng tại Australia, vừa kết thúc ca làm việc kéo dài 17 tiếng ở bệnh viện. Giống như các điều dưỡng khác, lê cơ thể rã rời về nhà, Tấn còn phải làm sao cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Có như vậy mới có đủ sức khỏe, đáp ứng được cường độ công việc cho ngày tiếp theo.
Công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn cực cao
Đoàn Kim Tấn (23 tuổi) hiện là một điều dưỡng viên tại khoa hồi sức tích cực (ICU), thuộc bệnh viện ở Canberra (Australia). Tấn hài lòng khi công việc mang lại thu nhập mơ ước nhưng đổi lại, anh phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Bệnh viện nơi Tấn làm việc chia 3 ca/ngày, trong đó, ca sáng và trưa kéo dài 8 tiếng, ca tối 10 tiếng. Tuy nhiên, vào những hôm bệnh viện cần thêm nhân lực hỗ trợ, điều dưỡng được chọn làm 2 ca liên tục. Nghĩa là làm việc từ 13h đến 7h30 hôm sau.
Hằng ngày, công việc của một điều dưỡng như Tấn bao gồm các đầu việc như tiếp nhận hồ sơ, làm quen, kiểm tra sơ bộ sức khỏe của bệnh nhân, lập danh sách và chuẩn bị các loại thuốc,… Quan trọng nhất chính là lúc nào cũng theo dõi và hỗ trợ mỗi khi bệnh nhân cần.
“So với một số nghề vì công việc này rất vất vả. Ở Australia, người lao động hầu hết chỉ làm việc từ 8h đến 16h là nghỉ, với nghề điều dưỡng, ai cũng phải đi sớm, về khuya hoặc thậm chí là không về nhà vì phải làm tăng ca”, Tấn nói.
Ngoài áp lực về thời gian, điều dưỡng viên còn chịu áp lực về chuyên môn. Bởi sức khỏe và tính mạng của con người luôn là vấn đề hệ trọng. Bản thân mỗi điều dưỡng phải nắm chắc lượng kiến thức khổng lồ và hiểu rõ quy trình hoạt động của bệnh viện.
“Mọi việc phải được thực hiện vô cùng chính xác, không thể xảy ra bất kỳ sai sót nào. Những kiến thức học ở trường chỉ là cơ bản, thực tế có nhiều rắc rối hơn phát sinh, đòi hỏi người điều dưỡng phải ứng biến. Ngoài ra, các điều dưỡng mới ra trường còn phải học cách thích nghi với môi trường làm việc thật nhanh chóng”, anh chia sẻ.
Anh Tân nói nửa thật nửa đùa rằng, trong các “thể loại” áp lực, việc đối mặt với bệnh nhân là thứ khiến điều dưỡng đau đầu nhất. Theo Kim Tấn, yêu cầu tiên quyết với một điều dưỡng để theo được nghề lâu dài chính là học cách hiểu và thông cảm cho bệnh nhân.
“Chúng tôi lúc nào cũng phải kiên nhẫn. Một người điều dưỡng giỏi, ngoài chuyên môn thì phải giao tiếp tốt. Điều dưỡng như chiếc cầu nối với bác sĩ, đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ về mặt tinh thần cho bệnh nhân.
Rõ ràng, chỉ khi bệnh nhân ổn định về tinh thần thì việc tiếp nhận điều trị mới trở nên dễ dàng hơn, giúp tăng khả năng, hiệu quả chữa bệnh”, Tấn bộc bạch.
Chàng trai kể, bản thân từng ngồi nói chuyện với một bệnh nhân suốt 2 giờ, chỉ để họ bình tĩnh và hợp tác hơn với đội ngũ y tế.
“Tôi nhớ nhất là những lần bị bệnh nhân la mắng, nhổ nước bọt và thậm chí là đá, đấm loạn xạ, lần nào cũng phải nhẫn nhịn. Tất nhiên, những việc như vậy chỉ xảy ra ở những bệnh nhân gặp vấn đề về bệnh lý, không phải trường hợp nào cũng thế”, nam điều dưỡng cười xòa.
Cơ hội việc làm rộng mở
Sau những áp lực to lớn, tại Úc, thu nhập là lý do, động lực níu chân điều dưỡng ở lại với nghề. Theo Kim Tấn, một điều dưỡng mới ra nghề như anh có thể kiếm được 80-100.000 AUD/năm (tương đương khoảng 1,3-1,6 tỷ đồng). Với những người làm lâu năm, cứng tay, mức thu nhập còn cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các điều dưỡng viên cấp cao còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ như 7 tuần nghỉ, 3,5 tuần nghỉ… dưỡng sức mà vẫn được trả lương. Hơn nữa, các bệnh viện ở Úc luôn có những chương trình hỗ trợ tâm lý miễn phí cho đội ngũ y tế.
“Làm nghề này, tôi được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, lắng nghe câu chuyện và cuộc đời họ. Bản thân tôi, vì thế, cũng trưởng thành và biết trân trọng cuộc sống hơn”, Tấn nói.
Nam điều dưỡng chia sẻ, trước đây, anh đến Australia theo diện du học. Tấn chọn học ngành điều dưỡng vì thị trường rất “khát” nhân lực.
Để trở thành một điều dưỡng, Tấn cho hay có thể lựa chọn học hệ đại học (kéo dài 3 năm) hoặc cao đẳng (kéo dài 1,5 năm). Quá trình học cũng vất vả, thách thức, bởi sinh viên vừa phải liên tục viết bài luận, vừa phải thực tập không lương tối thiểu 800 giờ ở các bệnh viện.
“Quỹ thời gian dành cho việc học hầu như là cả ngày, hiếm có lúc nghỉ. Nhưng đổi lại, học xong là có thể đi làm ngay”, nam điều dưỡng chia sẻ.
Đến thời điểm tốt nghiệp, nếu đạt tiêu chuẩn, có chứng chỉ IELTS 7.0 hoặc PTE 65 cho tất cả các kỹ năng, người học đã có thể xin được chứng chỉ hành nghề AHPRA (Australian Health Practitioner Regulation Agency).
Chàng trai nhấn mạnh, tiêu chuẩn về tiếng Anh nói trên cũng là điều kiện đầu vào và đầu ra khi đăng ký học ở các trường đại học.
Thực tế, sau mỗi đợt sinh viên đại học tốt nghiệp, các bệnh viện ở Australia đều mở chương trình hỗ trợ điều dưỡng mới ra trường tập làm quen với công việc. Thông thường, chương trình này kéo dài trong 1 năm.
“Cơ hội về nghề điều dưỡng ở Úc đang rất rộng mở vì tình trạng thiếu nhân lực tại các bệnh viện. Vì thế, những ai quan tâm đến nghề này cần trang bị kỹ năng tiếng Anh tốt và xác định rõ lộ trình, nuôi dưỡng đam mê”, Kim Tấn khuyến cáo.
Theo báo cáo của cơ quan Lao động Y tế Australia (HWA), quốc gia này dự kiến mức thiếu hụt tới 100.000 điều dưỡng viên vào năm 2025 và 123.000 điều dưỡng vào năm 2030. Sự thiếu hụt này sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực thành thị, nơi nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà và các dịch vụ điều dưỡng khác rất cao.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt sắp xảy ra và đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế có tay nghề cao, Australia đang tập trung vào việc cải thiện điều kiện làm việc trong lĩnh vực này. Bộ Y tế đã phát động các chiến dịch tuyển dụng và học bổng có mục tiêu để khuyến khích người lao động ghi danh vào các chương trình đào tạo điều dưỡng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm