4h, chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1977, ngụ tại TPHCM) thức giấc như một thói quen nhiều năm qua. Là bà chủ của tiệm bánh mì heo quay nổi tiếng trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức, TPHCM), chị Hà không phép bản thân lười biếng. Mọi việc lớn, nhỏ trong tiệm, chị luôn muốn tự tay làm thì mới yên tâm bán cho khách.
Lau giọt mồ hôi thấm đẫm trên trán, người phụ nữ tần tảo nói gọn: “Chỉ có nỗ lực không ngừng thì số phận mới có thể thay đổi”.
Nhiều người biết đến chị Hà là chủ của tiệm bánh mì lớn, sở hữu nhiều tài sản, có con đi du học nước ngoài. Nhưng hiếm có ai mường tượng được người phụ nữ này đã trải qua quá khứ khổ cực, tủi nhục đến mức nào.
Để có được như ngày hôm nay, chị dường như đã cố gắng suốt nửa đời mình.
Số phận bất hạnh
Chị Hà sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở tỉnh Thanh Hóa. Bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khi chị chỉ mới 6 tuổi. Ngày mẹ “dứt áo ra đi”, chị Hà ngu ngơ nhìn theo mẹ mãi cho đến khi bóng lưng khuất dần, nước mắt cứ thế chảy ngược vào trong.
“Tôi không dám làm phiền đến mẹ, vì bà từng bị gia đình chồng đánh đập, hành hạ khi lén mang một nắm cơm đến cho tôi”, chị Hà nức nở, nói.
Nhà quá nghèo, bà nội già yếu, ông nội lại mù lòa. Chị Hà nhớ rõ như in mình đã nắm tay ông nội đi khắp làng để xin muối, đổi bột sắn về nấu lỏng để ăn.
Đối với chị, sự thiếu thốn trong cuộc sống không đau đớn bằng nỗi đau tinh thần. Chị Hà không thể quên được cảnh mình đi đến đâu cũng bị người khác xem thường, miệt thị là đứa trẻ không cha, không mẹ, suốt ngày chỉ ngửa tay đi xin ăn.
Thời ấy, bao nhiêu muỗng bột sắn đưa đến miệng là bấy nhiêu cái đắng ngắt mà chị phải cố nuốt trôi. Người phụ nữ này đã thấm thía cái gọi là bất hạnh của số phận từ khi là đứa trẻ 6 tuổi.
Thấy chị đáng thương, ông nội nhắn cô ruột đến kinh doanh quán phở để lo cho hai ông cháu. Tuy nhiên, vì gia cảnh của cô cũng không mấy khá giả nên chỉ lo được cho chị trong khoảng thời gian ngắn.
Năm 13 tuổi, chị Hà nhận thức được mình phải ra khỏi lũy tre làng thì mới có thể thoát nghèo. Vì thế, chị cầm số tiền 400.000 đồng mà ông nội để lại trước khi mất, lên chuyến xe đi từ Thanh Hóa vào TPHCM.
“Biết bà ngoại ở TPHCM, tôi cũng muốn đến đó thử để tìm một công việc nào đó giúp mình thoát cảnh nghèo. Nhưng tuổi còn nhỏ, có biết thành phố tròn hay méo, ra sao đâu. Nhưng không đi thì lại khổ, tôi liều mình đi thử vì vốn dĩ cũng chẳng còn gì để mất”, chị Hà nói.
Chân ướt chân ráo đến thành phố lớn, chị chưa kịp kiếm ra tiền thì đã bị lừa sạch túi. Chị Hà nhớ rõ cảm giác cô đơn, bất lực lúc ấy khiến đứa trẻ như chị chỉ có thể đứng giữa thành phố lớn, òa khóc lúc nửa đêm.
Chị chủ động đi làm công việc quét gạo vụn từ các container lớn ở khu Tân Cảng Sài Gòn để phụ cô chú bên nhà ngoại nuôi heo, xây phòng trọ, kiếm tiền lo cho chị và các em trong nhà.
Sự mạnh mẽ của đứa trẻ mồ côi
Khi khu vực không cho quét gạo nữa, chị dự định về quê nhưng người cậu cho chị 1 chỉ vàng để mua một chiếc tủ rồi đi bán thuốc lá dạo.
“Lắm lúc rơi vào cảnh khó khăn, có người khuyên tôi đi làm chuyện xấu để nhanh có tiền hơn, nhưng tôi một mực từ chối. Đối với tôi, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ông trời sẽ không phụ lòng người biết nỗ lực, cố gắng”, chị Hà trải lòng.
Sau đó, chị được một người phụ nữ giúp đỡ, mở điểm bán xăng nhỏ trước nhà. Dần dà, chị Hà tích cóp vốn mở quán nhậu, đại lý thuốc lá, bán bánh mì,… Vì một số chuyện gia đình, chị Hà chán nản, làm nhiều chuyện dại dột nhưng may mắn được một người đàn ông thức tỉnh. Năm 18 tuổi, chị đã lấy người đàn ông ấy làm chồng.
“Lúc ấy tôi vui lắm, nghĩ rằng mình sắp có một gia đình trọn vẹn, được yêu thương, bảo vệ, được gọi tiếng bố mẹ”, chị bộc bạch. Thế nhưng, sự thật là gia đình chồng lại không chấp nhận vì chị là một đứa trẻ mồ côi.
Bất chấp sự ngăn cản của gia đình, chồng vẫn quyết tâm kết hôn với chị. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ lúc tổ chức lễ cưới đến đời sống hôn nhân chỉ toàn là những đoạn ký ức buồn.
Chị Hà lao đầu vào kiếm tiền để thuyết phục bố mẹ chồng. Song, dù kiếm được rất nhiều tiền, chị vẫn không nhận được sự công nhận. Vì quá mải mê công việc, chị bị hư thai, mất đi đứa con đầu.
Những tủi nhục, biến cố ập tới liên tục khiến người phụ nữ như chị Hà không còn nước mắt để khóc. Tuy vậy, nghĩ cuộc đời phía trước còn dài, chị Hà quyết tâm chứng minh cho những người xung quanh thấy một đứa trẻ mồ côi vẫn có thể trở thành một người thành công.
“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”
“Lắm lúc rơi vào cảnh khó khăn, có người khuyên tôi đi làm chuyện xấu để nhanh có tiền hơn, nhưng tôi một mực từ chối. Đối với tôi, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Ông trời sẽ không phụ lòng người biết nỗ lực, cố gắng”, chị Hà trải lòng.
Năm 1997, chị sinh con trai và chuyển đến TP Thủ Đức sinh sống, buộc lòng đóng cửa các hàng quán mà mình đã mở.
Trong một lần được ăn thử bánh mì heo quay, chị liền nảy ra ý tưởng bán món này. Nói là làm, dù chỉ mới sinh con 1,5 tháng, chị đã gượng dậy đi bán.
Từ nguyên liệu đến cách làm bánh mì, chị Hà đều tự đi đủ nơi để tìm tòi, học hỏi. Người mẹ trẻ đã dành hằng đêm để nghiên cứu, chế biến sao cho nước sốt thật hài hòa, hợp khẩu vị của người miền Nam.
Thời gian đầu, chị chỉ hi vọng bán được 100 ổ/ngày, nhưng không ngờ khách hàng cứ nườm nượp kéo tới. Từ 100 ổ, chị Hà tăng dần số lượng, có hôm bán hơn 500 ổ và giờ đây là gần 1.000 ổ/ngày.
Chị phải mua thêm máy móc để quay 50 kg heo da giòn, chế biến hơn 50 kg chả lụa/ngày và bán thêm một số món ăn kèm khác. Vào những dịp đặc biệt như ngày Vía Thần tài, chị Hà còn có thể bán hơn 800kg heo quay.
Cuộc sống của chị chỉ quanh quẩn ở tiệm bánh mì, tất bật từ sáng đến chiều. Chị còn kinh doanh thêm nhà nghỉ, làm nhiều việc khác để kiếm tiền. Kiếm được bao nhiêu tiền, chị Hà tiêu xài vô cùng tiết kiệm để tích cóp mua đất, mua nhà.
Chị cũng hiếm khi đi du lịch mà dành thời gian rảnh để đi làm thiện nguyện, bởi bản thân hiểu rõ cuộc sống thiếu thốn của những người nghèo.
Thấm thoát 18 năm, người phụ nữ mạnh mẽ này đã sở hữu 4 miếng đất và 5 căn nhà phố. Chị còn cho con gái út (SN 2001) đi du học ở Anh. Từ một tủ bánh mì nhỏ, giờ đây tiệm của chị đã được đặt ở mặt bằng lớn, có 5 nhân viên túc trực từ sáng đến tối.
“Tôi rất khâm phục nỗ lực của chị Hà, đặc biệt là sau khi nghe câu chuyện của chị. Dù là chủ nhưng chị làm việc rất vất vả, muốn tự tay làm mọi thứ thì mới yên tâm. Chị ăn nguyên liệu nào thì dùng nguyên liệu đó để bán cho khách. Tôi học hỏi ở chị rất nhiều thứ”, anh Đông, nhân viên tiệm bánh mì, cho hay.
Nhận lại thành quả sau nhiều năm cố gắng, chị Hà bày tỏ chị thầm cảm ơn những biến cố trong cuộc sống, bởi nó giúp chị học cách không biết khuất phục.
“Khởi nghiệp là một hành trình dài vô cùng gian nan. Nếu bản thân không ngừng học hỏi, hoàn thiện những thiếu sót và làm tất cả bằng cái tâm thì một ngày nào đó sẽ thành công”, chị Hà trải lòng.
Ảnh: Nguyễn Vy
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm