Những tập đoàn chip khổng lồ đã đến Đà Nẵng
Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, 30 năm qua, chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có những bước phát triển vượt bậc, dự báo doanh thu 620 tỷ USD năm 2024 và tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội tham gia chuỗi giá trị này.
Ông Chinh cho rằng, Đà Nẵng nằm ở trung tâm của cả nước và khu vực, có quan hệ ngoại giao, kinh tế với hầu hết các quốc gia là cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông thuận lợi.
Đà Nẵng được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, quyết tâm của chính quyền địa phương trong tạo lập hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi đầu tư đặc thù phát triển ngành vi mạch bán dẫn.
Những lợi thế này tạo thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn.
Cuối 2023 đến nay, Đà Nẵng nhanh chóng đón thời cơ để tiếp cận nhà đầu tư, quảng bá cơ hội đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và bước đầu đã tạo được tiếng vang với cộng đồng vi mạch bán dẫn trong nước và thế giới.
Các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới như: Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng hay Nvidia, Qualcom, Intel… đã đến khảo sát cơ hội đầu tư, có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tập đoàn Foxlink của Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư 135 triệu USD vào Đà Nẵng và đang có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đã được định hình, việc tham gia chuỗi giá trị này sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội”, ông Chinh nhìn nhận và đặt mục tiêu Đà Nẵng sẽ “đi đầu, đi nhanh” trong phát triển nguồn nhân lực để đón sóng đầu tư.
Những chính sách ưu đãi đầu tiên của cả nước
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Đà Nẵng cũng tập trung mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao, trong đó ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói; thu hút ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn đầu tư.
Ông Hồ Kỳ Minh thông tin, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136, trong đó có các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Với nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp sẽ được cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, được lựa chọn hình thức cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê…; được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định, thủ tục về thuế; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới.
Với đối tác chiến lược, doanh nghiệp được cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, được nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù; được hỗ trợ không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất…
“Để được hưởng các ưu đãi nêu trên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về vốn, doanh thu, công nghệ… phải ký kết hợp tác lâu dài với thành phố trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, đối với hoạt động đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, Đà Nẵng sẽ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp.
Doanh nghiệp cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập đối với tổ chức có khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (chưa chào bán chứng khoán) trong thời hạn miễn thuế 5 năm kể từ thời điểm có hoạt động góp vốn.
Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn.
Người học, chuyên gia được hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên được trao chính sách này. Đó là các chính sách về miễn thuế thu nhập cá nhân, chi phí đào tạo, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc tại thành phố, chính sách mua sắm thiết bị…
Cần đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư vi mạch
Theo bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, ngành công nghiệp bán dẫn của Đà Nẵng đang thu hút sự chú ý toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, nhân lực chất lượng cao.
Hoa Kỳ nhận ra tầm quan trọng trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng và mong muốn tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn tại Đà Nẵng. Theo bà, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần lực lượng lao động đẳng cấp thế giới. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ giải quyết thách thức mà ngành bán dẫn đang đối mặt, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững, sáng tạo.
Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam chia sẻ, Đà Nẵng là nơi lý tưởng để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Hiện nay, phía Qorvo Việt Nam đang tìm hiểu, làm việc với thành phố trong việc này.
Theo ông Huề, điểm mấu chốt để Đà Nẵng thành công đó chính là cần phát triển nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao. Việc kiên trì đào tạo sẽ giúp Đà Nẵng trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của Việt Nam và xa hơn là thế giới.
Cùng quan điểm, ông Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Theo ông, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học… trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kỹ thuật về công nghệ mới. Như vậy mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới.
Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Đà Nẵng là địa phương năng động, tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo. Đây là những đặc trưng phù hợp để phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đà Nẵng có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, sự quan tâm và quyết tâm của chính quyền là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển công nghiệp bán dẫn.
Cùng với những lợi thế trên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136, là động lực để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào địa phương, tạo bước phát triển vượt bậc về công nghiệp bán dẫn.
Ông Phương đề nghị Đà Nẵng xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của quốc gia, trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong giai đoạn trước mắt, cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng để thúc đẩy, phát triển bền vững các ngành/lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sớm nghiên cứu và xây dựng các quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết 136, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng bày tỏ, Đà Nẵng cần hoàn thành mục tiêu đào tạo ít nhất 5.000 kỹ sư lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm