Làng Cẩm Trang nằm ven sông Ngàn Sâu, thuộc xã Đức Giang, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Khi xưa, đây là một ngôi làng nức tiếng với nghề làm gốm, ngày đêm rộn rã tiếng đập đất, nặn hình. Cảnh buôn bán bằng quang gánh, thuyền bè diễn ra tấp nập.
Theo các tài liệu lịch sử, làng gốm Cẩm Trang tồn tại khoảng từ thế kỷ XVII đến những năm 1930 của thế kỷ XX do một số gia đình miền Bắc di cư lập nên.
Trải qua hàng trăm năm, làng gốm Cẩm Trang xưa đã bị thất truyền vì nhiều lý do như sự thay đổi, phát triển của xã hội (Ảnh tư liệu).
Những năm gần đây, con cháu dòng họ Lê Doãn (thôn Cẩm Trang) nhận thấy rằng nếu không có một hành động kịp thời, các thế hệ sau này không thể hình dung được cuộc sống của cha, ông mình đã trải qua như thế nào. Đặc biệt, nghề làm gốm một thời nuôi sống bao thế hệ dần sẽ bị lãng quên.
Từ điều trăn trở đó, những người trong dòng họ đã cùng nhau sưu tầm nhiều sản phẩm của làng gốm Cẩm Trang xưa với mong muốn gìn giữ những hiện vật của cha ông. Sau khi tìm kiếm, sưu tầm được, họ mang về nhà thờ của dòng họ cất giữ, trưng bày.
Ông Lê Doãn Hoạt (74 tuổi, đời thứ 10 dòng họ Lê Doãn) cho biết: “Cụ cố nhà tôi sinh năm 1823, là một trong những người thợ nổi tiếng của làng gốm Cẩm Trang. Theo lời kể của các cụ, khi xưa, suốt chiều dài 2km của làng nằm bên sông Ngàn Sâu là vị trí của các cơ sở sản xuất. Nơi đó có lò nung, vật tư sản xuất và vị trí để sản phẩm làm ra”.
“Tôi là người con đi làm ăn xa quê hương, khi về đây xây dựng khuôn viên của nhà thờ dòng họ, đã thấy một số cổ vật gốm của cha ông. Tôi cùng con, cháu trong dòng họ quyết định sưu tầm những sản phẩm này để thế hệ sau luôn tự hào, biết đến nghề nghiệp nổi danh một thời của cha ông”, ông Hoạt chia sẻ.
Nhà thờ họ Lê Doãn đang trưng bày được hơn 40 sản phẩm của làng gốm Cẩm Trang xưa. Những hiện vật từng nức tiếng một thời như: chum, ché, hũ, nồi, bát, gạch, bình hoa,…
Những sản phẩm này làm từ hàng trăm năm trước nên không có đường nét tinh xảo, hoa văn cầu kỳ, đơn điệu về kiểu dáng. Nhưng sự tiện dụng, độ bóng, màu sắc sản phẩm đã thể hiện sự cần cù, khéo léo của bàn tay, khối óc người dân làng nghề Cẩm Trang.
Đây là chiếc chum vại – sản phẩm được sản xuất nhiều và gần như đầu tiên của làng nghề gốm Cẩm Trang. Chum vại thường được dùng để muối cà, muối sung, muối mắm… Thời kỳ giao thương phát triển, chum vại Cẩm Trang được bán cho người dân vùng quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình… đặc biệt vùng biển để làm mắm.
Cùng với chum vại, hĩm là sản phẩm được sản xuất nhiều. Đây là tên gọi đồ vật dùng để nấu chín thức ăn trong gia đình. Sản phẩm hầu như chỉ phục vụ người dân địa phương hoặc biếu tặng, ít sử dụng đi giao thương.
Lọ hoa khá đơn giản về kiểu dáng được những người thợ Cẩm Trang xưa sản xuất vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam…
Nhiều sản phẩm gốm Cẩm Trang khác đã được sưu tầm, lưu giữ như khóa, gạch xây dựng và ngói.
Thời đó, những sản phẩm gốm kể trên luôn được thương lái chọn mua, đưa lên thuyền buôn đi dọc các dòng sông để đến với mọi vùng miền trong cả nước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phan Hồng Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, cho biết nhiều năm qua, huyện đã chỉ đạo ngành văn hóa hướng dẫn cho địa phương nên phát động việc sưu tầm hiện vật liên quan đến làng nghề gốm Cẩm Trang, xã Đức Giang.
Từ đó, người dân địa phương đã có ý thức trong việc này, cụ thể dòng họ Lê Doãn đã sưu tầm được hơn 40 cổ vật còn lại trong các gia đình. “Đây là ý thức, hành động rất đáng quý, mang nhiều ý nghĩa để giúp người dân địa phương, du khách và thế hệ trẻ sau này biết rõ hơn về nghề truyền thống của cha ông”, bà Yến nói.
Hiện nay, huyện đã chỉ đạo địa phương và ngành liên quan mở rộng phạm vi sang các huyện lân cận để tìm hiểu, sưu tầm hiện vật cổ liên quan làng gốm Cẩm Trang.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm