Thăng trầm nghề trồng hoa
Năm 1990, gia đình ông Nguyễn Văn Trung (49 tuổi, trú xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), trồng 3ha các loại rau để phát triển kinh tế. Đến năm 2002, nhận thấy trồng hoa cẩm tú cầu, cẩm chướng, cát tường cho thu nhập cao nên gia đình ông quyết định chuyển đổi.
“Hồi đó, những loại hoa này thuộc dòng cao cấp nên có giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt, hoa cẩm tú cầu cắt cành được thương lái đặt hàng với số lượng lớn để họ đưa về TPHCM tiêu thụ. Do vậy, trong 3ha vườn, tôi dành 2ha trồng cẩm tú cầu, diện tích còn lại dành cho các loại hoa khác”, ông Trung chia sẻ.
Việc trồng hoa cắt cành giúp gia đình ông Trung có nguồn thu nhập ổn định trong suốt thời gian dài. Ăn nên làm ra với việc sản xuất hoa, ông có nguồn kinh phí để mua sắm thiết bị, đáp ứng nhu cầu sản xuất, thậm chí lắp đặt hệ thống kho lạnh để bảo quản hoa, cung ứng cho thị trường.
Ông nói: “Đến khoảng năm 2015, việc sản xuất hoa cắt cành mang lại lợi nhuận cao. Thời gian này, mỗi ngày khu vườn 2ha cẩm tú cầu cho thu hoạch trung bình khoảng 10.000 cành với giá bán 3.000-10.000 đồng/cành. Nhờ vậy, gia đình có nguồn thu tốt”.
Theo chủ vườn, việc sản xuất hoa đang trên đà phát triển, đến cuối năm 2016 thị trường có sự chuyển biến, ngưng tiêu thụ. Lúc bấy giờ, vườn cẩm tú cầu ào ạt nở hoa nhưng thương lái không về nhận hàng như đã thỏa thuận.
“Cận Tết 2017, cả vườn hoa không bán được cành nào. Cắt bỏ thì tiếc nên tôi cứ để mặc cho hoa nở”, ông Trung chia sẻ.
Cũng thời điểm này, khi thấy vườn cẩm tú cầu của gia đình ông Trung nở trắng vườn, người dân và du khách xin vào tham quan chụp ảnh. Nhiều cặp đôi chụp hình cưới cũng liên hệ, lặn lội từ xa về vườn hoa để ghi hình kỷ niệm.
Biến bất lợi thành cơ hội
“Hoa không bán được nhưng thấy người dân, du khách đến chụp ảnh cũng vui nên ai đến tôi cũng cho họ vào vườn. Một số cặp đôi chụp hình cưới lúc đó đưa cho tôi tiền để hỗ trợ một phần chi phí phân bón nhưng tôi không nhận.
Nhiều ngày sau, hoa nở nhiều thêm, số lượng người muốn vào vườn càng nhiều nên tôi suy nghĩ và nảy ra ý tưởng chấm dứt việc trồng hoa cắt cành, biến khu vườn thành điểm tham quan có thu phí và mô hình du lịch canh nông bắt đầu từ đó”, ông Nguyễn Văn Trung nói.
Được biết, vào tháng 10/2017 Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng có quyết định công nhận cánh đồng hoa cẩm tú cầu của gia đình ông Nguyễn Văn Trung là mô hình du lịch canh nông. Đây cũng là mô hình du lịch canh nông đầu tiên ở thành phố Đà Lạt.
Theo ông Trung, vườn cẩm tú cầu cho hoa đẹp quanh năm nên thu hút lượng lớn du khách tham quan. Việc chuyển hướng từ trồng hoa cắt cành qua kinh doanh dịch vụ du lịch giúp gia đình ông thoát cảnh thua lỗ và tiếp tục vươn lên làm giàu.
Hiện nay, ở khu vườn 2ha cẩm tú cầu, gia đình ông Trung đã thiết kế thêm các tiểu cảnh để du khách tiện tham quan, chụp hình. 1ha vườn còn lại ông trồng hoa hồng, thược dược, hoa cải… để du khách có thêm không gian vui chơi, trải nghiệm.
“Vào những ngày thường, khu vườn đón khoảng trên 50 lượt khách tham quan. Vào các dịp cuối tuần, lễ, Tết, lượng khách lên đến hàng trăm lượt người/ngày”, ông Trung chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, toàn bộ hoa cẩm tú cầu trên vườn hiện nay được ông trồng từ năm 2002 và sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, để tạo không gian trong lành, chủ vườn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và áp dụng quy trình chăm sóc hướng hữu cơ.
Với mô hình du lịch canh nông, mỗi tháng, gia đình ông Nguyễn Văn Trung thu về hàng trăm triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh, Phó Chủ tịch Hội nông dân thành phố Đà Lạt cho biết, mô hình cánh đồng hoa cẩm tú cầu của gia đình ông Nguyễn Văn Trung là mô hình du lịch canh nông tiêu biểu, hiệu quả ở thành phố. Ông Nguyễn Văn Trung là nông dân điển hình, nhiều năm liền được cơ quan chức năng khen thưởng sản xuất, kinh doanh giỏi.
Được biết, chủ vườn hoa cẩm tú cầu đang tạo công ăn việc làm cho 8 lao động chính thức với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng; 20 lao động thời vụ với mức lương 250.000 đồng/ngày.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm