Năm 2010, anh Nguyễn Xuân Quang (44 tuổi, trú tại đường Võ Trường Toản, phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng), có công việc ổn định tại một công ty nuôi cá tầm ở huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Đến năm 2013, nhận thấy giá trị kinh tế cao của nấm đông trùng hạ thảo và tiềm năng phát triển trong phòng thí nghiệm, anh Quang quyết định nghỉ việc, đi học và đầu tư vốn mở cơ sở sản xuất.
Theo anh Quang, việc phát triển nấm đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm vào năm 2013 còn khá mới lạ ở Đà Lạt. Mặc dù nấm phát triển tốt và có tính dược liệu cao, sản phẩm lại không có người mua.
Không thể phát triển thị trường, gia đình anh Quang lâm vào cảnh khó khăn, việc khởi nghiệp với đông trùng hạ thảo phải tạm ngưng sau hơn một năm.
“Sau khi đóng cửa nhà xưởng, tôi phải làm nhiều việc khác để kiếm sống. Mãi đến năm 2019, khi thị trường nấm đông trùng hạ thảo có tiến triển, tôi trở lại hùn vốn cùng người bạn để tiếp tục sản xuất,” anh Quang chia sẻ.
1.000m2 nhà xưởng được anh Quang chia thành nhiều phân khu khác nhau, bao gồm phòng thí nghiệm, cấy phôi nấm, ủ, khu nuôi dưỡng và sơ chế, đóng gói. Phôi nấm được cấy lên giá thể làm từ gạo lứt, sau đó chuyển qua phòng ủ. Khi nấm bắt đầu phát triển, các giá thể được chuyển qua khu nuôi dưỡng để chiếu sáng, kích thích sự sinh trưởng.
“Ở mỗi công đoạn đều phải thực hiện tỉ mỉ theo dõi sát về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Thông thường, sau 90 ngày nấm đông trùng hạ thảo cho thu hoạch”, anh Quang chia sẻ.
Hiện nay, ngoài việc sản xuất đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt, gia đình anh Quang còn sản xuất đông trùng hạ thảo nhộng tằm. Để tạo ra sản phẩm này, chủ cơ sở tuyển chọn nhộng tằm to, khỏe để cấy phôi nấm.
Quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo nhộng tằm kéo dài 90-120 ngày. Sau thời gian này, sản phẩm đạt chất lượng sẽ được gia đình anh Quang tuyển chọn, chuyển qua khâu sấy khô, đóng gói để bán ra thị trường.
“Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo nhộng tằm sấy khô là hàng cao cấp nên có giá 80-100 triệu đồng/kg”, anh Quang chia sẻ.
Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Xuân Quang sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 27 tấn đông trùng hạ thảo tươi; 300kg nấm khô với mức giá dao động 30-35 triệu đồng/kg; 100kg nấm đông trùng hạ thảo nhộng tằm.
Ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo của gia đình anh Nguyễn Xuân Quang mang lại giá trị kinh tế cao, địa phương khuyến khích nhân rộng. Thời gian qua, chi cục đã hướng dẫn và hỗ trợ chủ cơ sở tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hiện nay, các sản phẩm của gia đình anh Quang đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Với mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Xuân Quang có nguồn thu nhập ổn định. Cơ sở sản xuất nấm cũng tạo công ăn việc làm cho 8 lao động với mức lương 7,5-10 triệu đồng/tháng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm